Vài năm gần đây tại Hà Nội hay TP.HCM có xu hướng mọc lên những đại đô thị nằm ở vị trí vùng ven thành phố. Các dự án này đã thu hút không ít nhà đầu tư với ý định “lướt sóng”, tuy nhiên khi mà nguồn cung ra thị trường ngày càng nhiều thì cũng là lúc những nhà đầu tư này phải ngậm ngùi “cắt lỗ”.

Vỡ mộng đầu tư tại các “đại đô thị”

Áp lực từ nguồn cung quá lớn

Cách đây 2 năm, một dự án có quy mô cực lớn được chủ đầu tư có uy tín và tiềm lực nhất nhì Việt Nam tung ra tại vùng ven phía Đông Hà Nội. Khi đó mô hình “thành phố thu nhỏ” còn chưa phổ biến tại Việt Nam, dự án ban đầu hướng tới đối tượng khách hàng có thu nhập “vừa phải”, tuy nhiên sau 1 thời gian đã có những sự thay đổi mang tính “chiến lược” từ chủ đầu tư. Thời điểm đó cũng không ít nhà đầu tư tham gia với tư tưởng lướt sóng kiếm lời. Họ dự tính với 1 dự án mới mẻ của chủ đầu tư này thì việc giá tăng theo tiến độ là điều chắc chắn, khi đó số tiền bỏ ra ban đầu tương đối ít vì được đóng theo tiến độ và sẽ bán “chốt lời” khi thấy có lãi. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng hơn dự định khi số lượng căn chào bán ra tại các “đại đô thị” này quá lớn, khiến cho các nhà đầu tư thứ cấp còn phải cạnh tranh với cả những căn hộ còn chưa bán hết của chủ đầu tư.

Ngay tại các hội nhóm của các dự án này cũng thấy rất nhiều nhà đầu tư đang phải rao bán cắt lỗ. Với bất động sản, chỉ cần khi bán ra bằng với giá mua vào là đã coi như bị lỗ so với tiền gửi tiết kiệm, chưa kể rất nhiều trường hợp đang phải giảm giá tới 50 – 100  triệu đồng/căn, thậm chí với những trường hợp đã trót vay ngân hàng để đầu tư thì họ sẵn sàng giảm tới 150 – 200 triệu/căn để có thể ra hàng nhanh nhất.

Thế nhưng ngay cả khi đã chấp nhận bán lỗ so với giá mua vào, thì thực tế thanh khoản tại đây cũng rất khó bởi lý do nguồn cung tại đây còn rất nhiều. Trong khi đó tình hình kinh tế đi xuống và đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường bất động sản, khiến cho các căn hộ tại đây càng khó bán hơn vì nhu cầu ngày càng giảm. Hiện tại chỉ những căn có vị trí đẹp, hiếm và giá hợp lý thì mới dễ giao dịch.

Ngoài ra một số chuyên gia cho rằng các dự án này nằm tại vị trí khá xa trung tâm, giao thông đi lại hiện chưa thuận tiện nhưng mức giá hiện nay cũng không phải rẻ. Do đó nhu cầu ở thực còn khá khiêm tốn, trong khi đó giới đầu tư sau phút ban đầu “ngỡ ngàng” thì hiện tại hoặc là đã bị “mắc kẹt”, hoặc là đã nhận ra rủi ro khi đầu tư vào các đại đô thị kiểu như vậy.

Ngay cả với những trường hợp nhà đầu tư ban đầu có mục đích mua để cho thuê cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử ngay tại dự án trên, một khách hàng mua căn studio với diện tích nhỏ và dự định cho thuê với giá khá thấp nhưng cũng rất vất vả để tìm khách. Mặc dù ngay từ đầu đã xác định giá cho thuê sẽ thấp hơn là gửi tiết kiệm, nhưng do kỳ vọng giá căn hộ sẽ tăng lên để bù lại, nhưng nhà đầu tư không ngờ rằng sau vài năm giá căn hộ vẫn không tăng do nguồn cung còn quá lớn, mà tiền cho thuê thì cũng không thu được. Chưa hết, gần đây các khách hàng mua căn hộ để cho thuê ở đây còn đang rất lo lắng khi chủ đầu tư dự án này đang chuẩn bị cho thuê căn hộ của chính họ. Với năng lực và khả năng vận hành của chủ đầu tư, việc các nhà đầu tư cá nhân cho thuê riêng lẻ cạnh tranh được là rất bất khả thi.

Thực trạng trên xảy ra tại không ít dự án được gắn mác “đại đô thị” trong thời gian qua. Không ít nhà đầu tư đã và đang “vỡ mộng” với các đại dự án kiểu này, giờ đây họ chỉ mong muốn làm sao sớm bán được để không còn phải tính toán, mà đa phần là thua thiệt như hiện nay. Các chuyên gia cho rằng với các dự án này, chỉ phù hợp với một số người trẻ mới lập gia đình, còn với những nhà đầu tư xác định mua để lướt sóng hay kỳ vọng dòng tiền thì sẽ rất khó khăn trong bối cảnh hiện tại.

(Tổng hợp bởi odt.vn)