Mặc dù đang trải qua đợt dịch Covid-19 thứ tư nhưng giá căn hộ chung cư tại TP.HCM vẫn ghi nhận chiều hướng tăng từ 12 - 14%. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân tăng giá cho nguồn cung và quỹ đất hạn chế, trong khi chi phí dự án tăng cao.
Tăng ở cả 3 phân khúc
Theo ghi nhận, giá chào bán căn hộ chung cư trên thị trường sơ cấp tại TP.HCM giữa đợt dịch bùng phát lần thứ tư vẫn tiếp tục chu kỳ tăng ở cả phân khúc nhà bình dân, trung cấp lẫn cao cấp.
Căn cứ theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng một dự án hạng C (bình dân) vẫn tăng 12% so với Quý trước, đạt mức 1.800 USD/m2. Đối với phân khúc hạng B (trung cấp), thị trường ghi nhận một dự án thiết lập vùng giá 3.200 USD/m2, so với đợt mở bán đầu năm tăng giá 14%.
Không chỉ ở phân khúc hạng B và hạng C, loạt dự án hạng A (cao cấp và hạng sang) cũng thiết lập mặt bằng giá kỷ lục trong Quý II/2021. Đáng chú ý nhất là “siêu” dự án căn hộ chung cư cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ One Central Saigon (tọa lạc tại số 1 đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM) có mức giá bán dự kiến khoảng 650 - 800 triệu đồng/m2. Đây là mức giá cao nhất lịch sử thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và trên toàn quốc nói chung.
Loạt dự án cao cấp khác cũng ghi nhận mức giá tăng cao như: dự án Spirit Of Saigon tại Quận 1, Venicia tại TP. Thủ Đức và The River Thủ Thiêm lần lượt thi nhận mức giá bán là 400, 150 và 110 triệu đồng/m2.
Mặc dù có không ít dự án tăng giá, nhưng so với tổng nguồn cung trên thị trường, số lượng nguồn cung tăng giá chiếm tỷ lệ nhỏ hơn.
Vì sao giá căn hộ chung cư TP.HCM liên tục tăng?
Lý giải nguyên nhân vì sao giá căn hộ chung cư tại TP.HCM liên tục tăng cao trong đợt dịch lần thứ tư, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM - bà Giang Huỳnh cho biết, có ít nhất 3 nguyên nhân chính, đó là:
Thứ nhất, do chi phí dự án có xu hướng tăng dần theo thời gian khiến cho các dự án sơ cấp trên thị trường có giá bán cao hơn so với trước đây.
Thứ hai, do thời gian cấp phép dự án kéo dài, lãi vay biến động tăng, chi phí đất tăng cao, quỹ đất dành cho việc phát triển nhà ở hạn chế khiến cho chi phí đầu vào và chi phí phát triển dự án của doanh nghiệp ngày càng tăng. Điều này tác động trực tiếp đến việc giá bán căn hộ có xu hướng đi lên.
Thứ ba, do dịch bệnh kéo dài khiến nguồn cung mới trên thị trường nhà ở khan hiếm, trong khi các dự án đang chào bán không nhiều, thúc đẩy sự tăng giá của các căn hộ tại TP.HCM. Tuy vậy, nguyên nhân này chỉ mang tính chất tạm thời, chưa phản ánh đúng mức về diễn biến cung cầu trên thị trường nhà ở, bởi lẽ, khi dịch bệnh được kiểm soát, nguồn chung nhà ở mới trên thị trường sẽ dồi dào hơn.
Bà Giang Huỳnh cảnh báo thêm, đi ngược với chiều hướng tăng của giá bán các căn hộ trên thị trường TP.HCM và tỷ lệ hấp thụ giảm. Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, tỷ lệ hấp thụ nhà ở tại TP.HCM trong Quý II chỉ đạt 35%, đây là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay. Điều này cho thấy áp lực về nguồn cầu tại thời điểm hiện tại là khá lớn.
Quản lý cao cấp bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM dự báo, "Nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát, tình hình cung cầu của thị trường sẽ tiếp tục gặp nhiều áp lực trong thời gian tới".