Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước đối với 160 doanh nghiệp thuộc 17 tập đoàn và Tổng Công ty, có rất nhiều đơn vị đầu tư bất động sản chậm triển khai, đưa dự án vào khai thác, cá biệt có một số dự án dừng triển khai từ nhiều năm, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Những dự án chậm đưa vào sử dụng
Sau khi kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2019 của 160 doanh nghiệp thuộc 17 tập đoàn và Tổng Công ty, Kiểm toán Nhà nước cho biết 17/17 Tập đoàn và Tổng Công ty báo cáo lãi. Trong đó, một số doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tương đối cao.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong việc quản lý sử dụng tài sản và vốn của các doanh nghiệp được kiểm toán được cơ quan Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Cụ thể, một số đơn vị đầu tư bất động sản chậm đưa vào khai thác các dự án đã hoàn thành xây dựng khiến cho hiệu quả sử dụng vốn bị suy giảm.
Đơn cử như trường hợp của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn. Dự án chung cư tại khu đất số 481 Bến Ba Đình, phường, quận 8 của doanh nghiệp này đã hoàn thành 11 năm (từ năm 2010), nhưng cho đến nay vẫn còn 242 căn hộ trên tổng số 350 căn bị bỏ trống. Hay như dự án tại khu đất số 339/34A (số cũ 157/R8) Tô Hiến Thành, Phường 12, Quận 10, mặc dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2013, nhưng cho đến nay vẫn còn 119 căn hộ chung cư bỏ trống.
Những dự án chậm tiến độ, dừng triển khai
Bên cạnh đó cũng có không ít các dự án chậm tiến độ, thậm chí là dừng triển khai từ nhiều năm. Trường hợp dự án chậm tiến độ “khủng” nhất phải kể đến dự án Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội của Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC). Dự án này đã quá hạn trên 16 năm nhưng đến nay chưa được UBND thành phố Hà Nội gia hạn thực hiện.
Các trường hợp dự án dừng triển khai từ nhiều năm phải kể đến: Dự án tự động hóa xuất hàng - Xí nghiệp Hòa Hiệp 0,11 tỷ đồng; Dự án tích hợp quản lý hàng hóa cửa hàng xăng dầu 0,2 tỷ đồng; Dự án khu đất Đầm Bà Tài - Hải Phòng 0,82 tỷ đồng; Dự án kho cảng Cái Mép giai đoạn 2 là 56,16 tỷ đồng của Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) - Công ty mẹ cũng có một số dự án dừng triển khai nhiều năm như: Dự án Mở rộng kho xăng dầu Cái Lân giai đoạn 2; Dự án Mở rộng nhà máy chế biến condensate tại khu công nghiệp Cái Mép - Bà Rịa Vũng Tàu, Dự án Kho ngoại quan, dự trữ xăng dầu quốc gia tại Phú Quốc.
Một số dự án dừng triển khai nhiều năm đáng chú ý khác gồm: Dự án tiểu khu 2 tại Nhơn Trạch của Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power); Dự án Công trình thủy điện Sông Tranh 5 (2,9 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực 3; Dự án Chung cư Khuông Việt của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn chậm 02 năm; Dự án 51,89 ha tại cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Sóc Sơn cùng dự án 174 Hà Huy Tập, Yên Viên, Hà Nội của Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico); Dự án Nhà máy Gạch bê tông khí chưng áp của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp).
Đối với trường hợp của Hancorp, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ tra nhiều dự án chậm triển khai khác như: Dự án N04.A chậm 02 năm; Dự án Khu biệt thự chậm 03 năm; Dự án N01 - T8 chậm 06 năm; Dự án Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B chậm 10 năm.
Doanh nghiệp có số dự án chậm triển khai nhiều nhất là Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), gồm: Dự án Xây dựng phân đoạn tuyến ống chuyển tải nước sạch D2400mm Thủ Đức - Bình Thái chậm 08 năm; Dự án Lắp đặt tuyến ống cấp 2 đường Dương Thị Mười từ Tô Ký đến Nguyễn Ảnh Thủ, Quận 12 chậm 03 năm; Dự án Lắp đặt tuyến ống cấp 2 đường Đỗ Văn Dậy từ Quang Trung đến Kênh Xáng, huyện Hóc Môn chậm 03 năm; Dự án Lắp đặt tuyến ống cấp 2 đường Lê Đình Cẩn - Ấp Chiến Lược chậm 01 năm; Dự án Lắp đặt tuyến ống cấp 1 đường Huỳnh Tấn Phát chậm 03 năm; Dự án Lắp đặt tuyến ống cấp 2 đường Quốc lộ 50 từ Tân Liêm đến ranh Long An chậm 02 năm; Dự án lắp đặt Tuyến ống cấp 2 đường Trần Đại Nghĩa chậm 03 năm.
Đối với dự án chưa hiệu quả, Kiểm toán Nhà nước có chỉ ra trường hợp Dự án Tòa nhà trụ sở và văn phòng bán, cho thuê của PVOIL tại số 148 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Tính đến ngày 31/12/2019, lỗ lũy kế của hoạt động cho thuê là 11,97 tỷ đồng.