Bất động sản là lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và thời gian triển khai lâu, trung bình mỗi dự án cần hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian tối thiểu 10 năm, do đó các doanh nghiệp sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Nhận định của chuyên gia
Trao đổi với Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam – ông Sử Ngọc Khương cho biết hiện tại các doanh nghiệp bất động sản đang khá khó khăn, nhất là các doanh nghiệp có nợ vay trên vốn chủ sở hữu quá nhiều.
Bởi lẽ, để phát triển các dự án căn hộ chung cư, nhà ở thương mại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, trung bình mỗi dự án cần hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10-20%, nguồn vốn còn lại chủ đầu tư sẽ thu trước từ người mua (theo hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng mua bán) và vay ngân hàng. Trong hoàn cảnh hiện nay, các kênh dẫn vốn này đều đang bị bóp nghẹt do các ngân hàng đã thắt chặt dòng vốn chảy vào bất động sản, còn người dân thì bị tác động tiêu cực từ đại dịch dẫn tới thắt chặt chi tiêu.
Thời gian để triển khai và thu hồi vốn đối với mỗi bất động sản thương mại cũng rất lâu, thường mất từ 10-15 năm do đó các doanh nghiệp sẽ gặp phải rủi ro rất lớn nếu dùng đòn bẩy quá mức. Khi đó các doanh nghiệp sẽ buộc phải chọn các giải pháp như sang nhượng dự án hoặc bán tài sản để duy trì dự án, thậm chí đắp chiếu dự án và phá sản.
Mặc dù vậy ông Khương cũng đánh giá đây cũng là thời điểm tốt để tìm kiếm và thâu tóm các dự án tốt đang gặp khó khăn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trường vốn. Trên thực tế gần đây đã xuất hiện các thương thảo để mua bán sát nhập các dự án lớn tại Hà Nội và TP HCM với tổng trị giá lên tới 500 triệu USD, trong thời gian tới có thể sẽ ký kết.
Dự báo thị trường sẽ còn nhiều khó khăn, tuy nhiên ông Khương cho rằng các tín hiệu lạc quan cũng đã bắt đầu xuất hiện như: chính phủ triển khai các chính sách ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp trong đại dịch, triển khai gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, kiến nghị gỡ khó cho 63 dự án tại TP HCM, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công… Các động thái này từ chính phủ có thể góp phần giúp cho thị trường hồi phục nhanh sau đại dịch.
(Tổng hợp bởi odt.vn)