Đặt mục tiêu mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân đồng thời cải tạo cảnh quan đô thị dọc hai bờ kênh rạch, TPHCM đã lên kế hoạch di dời hơn 20.000 căn nhà ven kênh, rạch trong giai đoạn 2016 – 2020. 

TPHCM “thất bại” khi giải tỏa 20.000 căn nhà?

Nhiệm vụ bất khả thi

Dự kiến 65 dự án sẽ được triển khai, ước tính chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lên tới 44.000 tỷ đồng.

Trong đó nhóm dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách có tổng kinh phí khoảng 22.000 tỷ đồng, nhóm dự án áp dụng hình thức đối tác công tư khoảng 19.000 tỷ đồng, số còn lại được phân bổ cho dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, TPHCM mới chỉ di dời và bồi thường được 7.266 căn, đạt 36,3% kế hoạch. Như vậy, chỉ còn 6 tháng nữa để thành phố di dời gần 13.000 căn nhà, việc này gần như là điều không thể.

Các cấp chính quyền ở TPHCM thừa nhận kết quả của việc di dời còn thấp, tập trung chủ yếu ở những dự án có vốn từ ngân sách. Mặc dù năm 2018, địa phương đã tổ chức hội nghị quốc tế với sự tham gia của nhiều tập đoàn trong và ngoài nước để kêu gọi đầu tư, tuy nhiên không có dự án nào được triển khai.

Đi tìm nguyên nhân

Nguyên nhân được Sở Xây dựng đưa ra là không thể cân đối được nguồn ngân sách khi tỷ lệ được giữ lại giảm chỉ còn 18%. Trong khi thành phố có rất nhiều dự án quan trọng cần đầu tư như: chống ngập lụt, giảm thiểu ô nhiễm và ách tắc giao thông…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới từ năm 2017 đã cho vay theo điều kiện của thị trường thay vì vay theo ưu đãi như trước đây. Phần lớn những dự án tại TPHCM là đất dọc những kênh rạch nhỏ, rạch nhánh nên không thể thu hút đầu tư.

Một nguyên nhân khác được đề cập là quỹ đất công có giá trị lớn của thành phố lại hạn hẹp. Số tiền bỏ ra cũng như yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm cho những dự án này là rất cao nên không có nhiều nhà đầu tư hứng thú.

Đứng trước tình hình khó khăn, TPHCM đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng 20.000 căn hộ tái định cư trong thời gian từ 2020 đến 2025. Chính phủ cũng đã chấp cho TPHCM thí điểm sử dụng hệ số K trong giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với hy vọng sẽ rút ngắn được thời gian, khai thông vướng mắc trong quá trình này.

(Tổng hợp bởi odt.vn)