Công trường, công trình xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được phép hoạt động trở lại sau ngày 30/09. Song song với đó, các chủ đầu tư, các nhà thầu phải đảm bảo các yêu cầu theo bộ tiêu chí về an toàn. Ngoài ra, thành phố cũng có kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Sẽ sớm ban hành bộ tiêu chí an toàn cụ thể
Tối ngày 13/09 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" để giải đáp những thắc mắc của người dân về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế. Theo đó, một người dân có đặt câu hỏi, khi nào các công trường, công trình được phép thi công trở lại.
Trả lời vấn đề, Phó chủ tịch UBND thành phố - ông Lê Hòa Bình cho biết, chắc chắn các công trường, công trình sẽ được phép thi công trở lại sau ngày 30/09. Tuy nhiên, các hoạt động vẫn phải đảm bảo các yêu cầu theo bộ tiêu chí về an toàn mà thành phố sắp ban hành tới đây.
Cũng theo ông Bình, trong thời gian giãn cách vừa qua, thành phố vẫn duy trì thi công một số dự án trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2, tuyến Metro 1… Trong đó, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hợp long vào ngày 15/09 và dự kiến đến ngày 30/04/2022 sẽ hoàn thành.
Lý giải về việc này, Phó chủ tịch UBND thành phố cho hay, 62% hoạt động kinh tế của thành phố là thương mại, dịch vụ, mà hạ tầng dịch vụ và xây dựng lại gắn liền với nhau. Nếu không xây dựng thì đồng nghĩa với việc không có cơ sở vật chất và không thể phát triển.
Ông Bình chia sẻ thêm, UBND thành phố đã có chỉ đạo với những địa phương đã khống chế được dịch (gồm quận 7, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi) đăng ký tổ chức thi công lại với những dự án có vốn đầu tư công, ngoài vốn đầu tư công thuộc “vùng xanh”. Hướng dẫn chi tiết cụ thể sẽ được thành phố ban hành sau ngày 30/9.
Bên cạnh các dự án giao thông trọng điểm, chính quyền thành phố cũng đang lên kế hoạch tổ chức xây dựng công trình nhà ở cho công nhân thuê. Trước đây thành phố vốn đã có hướng dẫn về vấn đề này nhưng chưa thực hiện được sâu, nay sẽ làm luôn, ông Bình thông tin,
Liệu có tiếp tục giãn cách sau ngày 30/09 không?
Không chỉ có người dân, các công ty, doanh nghiệp mà lãnh đạo thành phố cũng không mong muốn phải kéo dài giãn cách. Vì vậy, sự chuẩn bị và các biện pháp thực hiện với 3 đơn vị hành chính đã kiểm soát được dịch bệnh tới đây sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố xem các bước đi đã an toàn chưa. Từ đó thành phố mới nghiên cứu và tìm ra được bước tiếp theo.
Chúng tôi cũng là người dân thành phố nên thấu hiểu với những mất mát, đặc biệt là tính mạng của những người không may nhiễm bệnh. Nhưng bằng tất cả những nỗ lực và thành quả đã đạt được, chúng tôi có niềm tin là sẽ khống chế được dịch bệnh và tái thiết lại nền kinh tế cho thành phố, ông Lê Hòa Bình cho hay.
Ông nói thêm, mục tiêu cao nhất mà thành phố hướng đến trong thời gian tới vẫn là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Sau đó mới là phục hồi và phát triển kinh tế.
Được biết, cách đây 2 tháng, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các công trường, công trình tạm dừng mọi hoạt động thi công để phòng chống dịch COVID-19. Chỉ có một số công trình cấp bách được UBND thành phố phê duyệt mới được tiếp tục triển khai và phải đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ”. Cụ thể gồm, thi công tại chỗ, ăn ở tại chỗ, chống dịch tại chỗ hoặc 1 cung đường duy nhất để di chuyển công nhân từ nơi ở đến công trường xây dựng.