Vũng Tàu vừa thông qua điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đảo Gò Găng để báo cáo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo Quyết định 586 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035.

tp-vung-tau-dieu-chinh-quy-hoach-phan-khu-dao-go-gang

Điều chỉnh quy hoạch phân khu đảo Gò Găng

Theo đó, phạm vi quy hoạch đảo Gò Găng thuộc địa phận xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Về phạm vi ranh giới, phía Bắc giáp Sông Rạng, phía Đông và Nam giáp sông Dinh, phía Tây giáp sông Chà Và.

Theo quy hoạch điều chỉnh, diện tích quy hoạch đảo Gò Găng là khoảng 1.400ha, trong đó công viên sinh thái rừng ngập mặn có diện tích lớn nhất là khoảng 532ha; đất sân bay và dịch vụ sân bay có diện tích khoảng 250ha; đất giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học khoảng 20ha; đất thương mại dịch vụ, khoa học, du lịch khoảng 158,5ha.

Dự án gồm các phân khu chức năng như trung tâm kinh tế, tài chính thương mại với diện tích 30ha; khu dịch vụ kết nối Long Sơn với diện tích 25,3ha; khu trung tâm dịch vụ cửa ngõ với diện tích 67ha. Có 6 giai đoạn phân kỳ đầu tư.

Mục tiêu của quy hoạch là xây dựng một đô thị gắn với sân bay và khu đô thị sinh thái với không gian sinh thái rừng ngập mặn, đồng thời hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thuỷ sản công nghệ cao.

Vũng Tàu đề nghị đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Inno cần nghiên cứu thêm đến việc kết nối tuyến từ TP Bà Rịa đi vào Gò Găng để giảm áp lực cho Quốc lộ 51 qua cầu Cỏ May.

Trước đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã chấp thuận cho TP.Vũng Tàu nghiên cứu dự án xây dựng sân bay mới với diện tích trên 248,5ha và kinh phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD.

Mục tiêu của việc xây dựng sân bay mới là nhằm phục vụ kế hoạch di dời sân bay Vũng Tàu tại phường 9, TP. Vũng Tàu. Có hai phương án đầu tư được đưa ra là: PPP (đối tác công tư, nhà nước và tư nhân) và BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Sau khi dự án sân bay được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhà đầu tư có thể sử dụng quỹ đất sân bay hiện hữu để hoàn vốn hoặc khai thác sân bay trong một thời gian nhất định.

Hiện đảo Gò Găng có hơn 240 hộ dân sinh sống với nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản. Chính quyền yêu cầu việc điều chỉnh quy hoạch đảo Gò Găng cần đảm bảo cuộc sống của người dân khi thực hiện thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng.