Trong bảy tháng đầu năm 2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản TP.HCM đạt trên 1,019 triệu tỷ đồng, chiếm 27,8% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tín dụng bất động sản TP.HCM tăng trưởng ổn định, tháng sau cao hơn tháng trước.
Cụ thể, đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM đạt 1,019 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2023.
Trong đó, tính dụng nhà ở gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nhà ở khác chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 57% trong tổng dư nợ bất động sản tại TP.HCM. Riêng dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng đã giải ngân 170 tỷ đồng trong gói vay 120 ngàn tỷ đồng để xây dựng các dự án nhà ở cho công nhân thuê tại TP. Thủ Đức.
Tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh; cho vay xây dựng văn phòng, cao ốc; cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất; cho vay xây dựng nhà hàng, khách sạn khu du lịch trong năm 2024 đều tăng trưởng so với năm 2023.
Cụ thể, dư nợ cho vay văn phòng cao ốc đạt 24.041 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2023. Cho vay xây dựng hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất đạt 48.392 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cuối năm 2023.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, tăng trưởng tín dụng bất động sản TP.HCM gắn với xu hướng tăng trưởng của thị trường.
Tín dụng bất động sản chủ yếu là vay trung hạn và dài hạn. Vì vậy, để tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và thị trường bất động sản phát triển ổn định, các tổ chức, cá nhân liên quan cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tín dụng, và mục đích sử dụng vốn vay.
Sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ kích thích tạo lập dòng tiền, từ đó tác động đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các hoạt động tín dụng bất động sản tại TP.HCM