Tập đoàn Trungnam Group đã được chấp thuận xây dựng dự án điện Mặt Trời tại Ninh Thuận từ tháng 3/2020 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Tuy mới bước vào giai đoạn đầu nhưng dự án đã gặp không ít những khó khăn về đất đai.
Về dự án điện Mặt Trời
“Siêu dự án” với số vốn gần 14.000 tỷ đồng được đầu tư tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam với công suất 450MW. Song song đó là xây dựng trạm biến áp 500kV cùng hệ thống đường dây 220kV, 500kV đấu nối trực tiếp vào hệ thống điện Quốc gia.
Dự án sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng giảm thiểu áp lực cho các nhà máy điện tại Ninh Thuận. Theo giấy phép được phê duyệt thì dự án sẽ vận hành vào quý IV/2020 trở thành nhà máy điện Mặt Trời không chỉ lớn nhất Việt Nam mà là cả khu vực Đông Nam Á.
Với thực trạng dịch bệnh Covid-19 sẽ không thể dập tắt trong thời gian ngắn, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án có thể chậm đi rất nhiều đã đặt vô vàn áp lực lên Tập đoàn Trungnam Group cũng như cơ quan chính quyền.
Đi tìm thực trạng, nguyên nhân
Trước khi tiến hành xây dựng, tập đoàn Trung Nam sẽ phải thu hồi đất tại ba xã: Phước Ninh, Phước Minh, Nhị Hòa và diện tích thu hồi là trên 560ha. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy chỉ có 11,68% tương đương với 65,4ha có giấy tờ hợp pháp về đất đai.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013 sửa đổi, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nhà nước chỉ có thể cấp quyền sử dụng đất thông qua quyết định giao đất, cho thuê đất nếu không phải có đủ giấy tờ để công nhận quyền sử dụng đất. Trong đó việc sử dụng đất “ổn định, lâu dài” là yếu tố quan trọng nhất.
Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết và đặc điểm canh tác người dân địa phương đã không sử dụng đất liên tục, không có các hoạt động liên quan đến sản xuất trên các khu vực có diện tích đất bị thu hồi này. Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp không thể xác định được nguồn gốc của đất do người dân khu vực lấn chiếm trái phép.
Giải pháp nào cho dự án?
Nhận thấy đây là công trình có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế địa phương và đất nước, Chính phủ cũng như UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ có những giải pháp để tháo gỡ nút thắt này.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ rà soát, xác minh lại nguồn gốc sử dụng đất, xác minh chủ sử dụng đất, quy hoạch, hiện trạng sử dụng được lập qua các thời kỳ và các giấy tờ liên quan.
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm kiểm tra lại chỉ giới xây dựng, xác minh các trường hợp lấn chiếm đất dự án, các công trình vi phạm giấy phép. Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại bảng giá đất, giá đền bù cho người dân.
Những trường hợp có thắc mắc, yêu cầu các ban, ngành cử đại diện giải thích rõ. Trường hợp đã xác minh rõ giấy tờ, nguồn gốc sẽ đền bù thỏa đáng cho chủ sử dụng, chủ sở hữu. Với trường hợp cố ý gian dối làm ảnh hưởng đến công tác thu hồi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
(Tổng hợp bởi odt.vn)