Lãnh đạo Bộ GTVT và các địa phương đã thống nhất quy mô, cơ chế đầu tư dự án giai đoạn 1 đường Vành đai 4 TP.HCM. Cùng bất động sản ODT tìm hiểu thông tin dự án đường Vành đai 4 TP.HCM qua bài viết sau đây.
Đây là kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai sau cuộc họp về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.
Theo đó, Bộ GTVT thống nhất quy mô mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 phần tuyến cao tốc Vành đai 4 TP.HCM đảm bảo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc., tối thiểu 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy.
Để thực hiện dự án đường Vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1, UBND tỉnh Bình Dương cần chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, đề xuất quy mô đầu tư phù hợp với quy hoạch.
Do đường Vành đai 4 có tổng mức đầu tư của các dự án thành phần rất lớn, các địa phương có dự án thành phần đi qua cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để đưa ra được giải pháp đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Bộ GTVT và các địa phương cần thống nhất báo cáo, xin ý kiến Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ và báo cáo Thủ tướng về chủ trương xây dựng nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM để trình Quốc hội.
Bộ GTVT và UBND các tỉnh cũng thống nhất đề nghị UBND TP.HCM đảm nhận vai trò là cơ quan đầu mối để thực hiện tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cơ quan đầu mối sẽ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng, hoàn thiện nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án để báo cáo xin ý kiến Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ tại cuộc họp gần nhất.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM và các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trong quý III/2024.
Đường Vành đai 4 đi qua 5 tỉnh, thành gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Toàn tuyến có tổng chiều dài gần 207km, trong đó đoạn qua Long An chiếm hơn 78km; đoạn qua Đồng Nai 45,6km; đoạn qua Bình Dương 47,5km; đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,1km và đoạn qua TP.HCM dài 17,3km. Tổng mức đầu tư dự án Vành đai 4 giai đoạn 1 là 106.000 tỷ đồng.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ GTVT và các địa phương vào tháng 3/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đề cấp hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu đầu tư Vành đai 4 là làm cầu cạn tuyến đường đoạn qua thành phố và tỉnh Long An nhằm giải quyết vấn đề thiếu cát đắp nền của các dự án tuyến cao tốc hiện nay. Ngoài ra, phương án cầu cạn cũng giúp công trình thích ứng tốt hơn với tình trạng sụp lún, ngập,... trong điều kiện khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.