Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra Quyết định về quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.

thanh-hoa-siet-chat-quy-dinh-ve-dau-gia-dat-de-ngan-nha-dau-tu-bo-coc-thao-chay

Rút ngắn thời gian đóng tiền và siết chặt các quy định đấu giá đất

Được biết, trong thời gian vừa qua, Thanh Hoá là một trong những địa phương có hiện tượng “sốt đất” trong quý I, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều tình trạng nhà đầu tư đất bỏ cọc, tháo chạy ngay sau khi trúng đấu giá đất.

Cụ thể, vào tháng 4, tỉnh đã tổ chức đấu giá 46 lô đất ở xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên, do người trúng đấu giá các lô đất trên lại không nộp tiền, bỏ cọc khiến địa phương này phải huỷ bỏ kết quả đấu giá. Thậm chí, nhiều trường hợp “cò” đất đẩy giá đất cao gấp 5 lần giá khởi điểm rồi bỏ cọc khiến các địa phương tỉnh Thanh Hoá điêu đứng.

Đứng trước thực trạng trên, ngày 19/9/2021, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định 21/QĐ-UBND, trong đó bao gồm việc rút ngắn thời gian đóng tiền đấu giá đất và siết chặt quy định đấu giá đất trong thời gian tới. Quyết định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/9. Quyết định trên của UBND tỉnh Thanh Hoá có nhiều điểm khác biệt so với Nghị định 126 của Chính phủ.

Một trong những điểm mới của quyết định này so với Nghị định số 126 là thay vì chia thành 2 đợt như ban đầu thì nhà đầu tư trúng đấu giá đất buộc phải nộp đủ 100% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hoá. Điều đó cũng có nghĩa, quyết định mới sẽ rút ngắn thời gian đóng tiền đấu giá đất từ 60 ngày xuống còn 30 ngày theo quy định.

Cụ thể, đối với đất phân lô (thửa) cho hộ gia đình, cá nhân, người trúng đấu giá đất phải nộp đủ 100% tiền sử dụng nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của cơ quan thuế.

Trong trường hợp người trúng đấu giá đất không nộp tiền hoặc nộp tiền không đủ trong thời hạn trên theo thông báo thì sẽ bị huỷ quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Tiền đặt cọc được thu nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi trừ đi chi phí cuộc đấu giá, tiền sử dụng đất đã nộp được trả lại mà không được tính lãi suất hoặc trượt giá.

Còn đối với đất đấu giá để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp giao đất và thuê đất nộp tiền một lần, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất, thuê đất theo thông báo (đợt một) trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, thuê đất của cơ quan thuế. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, thuê đất, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất, thuê đất còn lại theo thông báo (đợt hai).

Kết quả công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất sẽ bị huỷ trong trường hợp người trúng đấu giá đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ trong thời hạn nêu trên.

Ngoài ra, quyết định mới cũng siết chặt các quy định đấu giá đất và tăng tiền đặt cọc. Cụ thể, nhà đầu tư phải đặt cọc trước tối thiểu 20% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá (thu tiền mặt hoặc chuyển khoản) thay vì là tối thiểu 5% và tối đa 20% như trong Nghị định số 126.

Bên cạnh đó, quyết định mới quy định trường hợp quỹ đất đấu giá chia lô cho hộ gia đình, cá nhân thì chỉ được đưa ra đấu giá phần diện tích đã hoàn thành đầu tư hạ tầng và đã kết nối với hạ tầng chung của khu vực.

Cũng trong quyết định mới được ban hành, thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải được đăng trên các cổng thông tin trong thời gian ít nhất 3 ngày làm việc kể từ ngày ban hành thông báo cho đến khi lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản.

Theo ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, việc siết chặt quy chế đấu giá quyền sử dụng đất là hoàn toàn hợp lý, giúp thanh lọc nhà đầu tư ngay từ đầu, và ngăn chặn tình trạng bỏ cọc “tháo chạy”.