Ngày 26/8, hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức tại Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì.

tham-dinh-do-an-dieu-chinh-quy-hoach-chung-thanh-pho-da-nang-tam-nhin-den-nam-2045

Đà Nẵng thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030

Hội nghị diễn ra tại 3 điểm cầu là Hà Nội, Đà Nẵng và Singapore với sự tham dự của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định; Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và đại diện đơn vị tư vấn tại Singapore.

Theo đó, quy mô lập quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng có diện tích 129.046ha. Về phạm vi ranh giới, dự án có phía Bắc giáp tỉnh Thừa - Thiên Huế, phía Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông.

Theo quy hoạch được phê duyệt, thành phố Đà Nẵng sẽ được xây dựng với tính chất, chức năng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Đồng thời, quy hoạch Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung, Tây Nguyên; là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; là một trong những địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh của khu vực Nam Trung Bộ, Tây nguyên và cả nước.

Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch là phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực Đông Nam Á; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển; đô thị biển quốc tế với vị trí hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; thành phố đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, đáng sống; đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh và chủ quyền biển đảo.

Thành phố Đà Nẵng được quy hoạch với 3 vùng đô thị đặc trưng: Vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và vùng sinh thái (gồm khu vực đồi phía Tây và phía Bắc); Khu du dịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa; khu vực các sông, hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái.

Thiếu lập 2 vành đai kinh tế: Vành đai phía Bắc - vành đai công nghệ cao và cảng biển - Logistics; Vành đai phía Nam - Vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại khu vực đô thị hiện hữu, phát triển đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng, kiểm soát hành lang ven biển và kết nối các dự án, phát triển công trình và dịch vụ công cộng.

Tại khu vực phát triển mới, mở rộng, phát triển mới các đô thị, xây dựng khu vực có chức năng chuyên biệt; xây dựng các toà nhà cao tầng phục vụ nhu cầu ở thực; phát triển dịch vụ du lịch hài hoà với không gian cảnh quan tại khu vực đồi núi; ưu tiên phát triển các không gian xanh.

Tại khu vực nông thôn, tổ chức lại không gian, cơ cấu, chức năng các khu vực đang trong quá trình đô thị hoá tiệm cận theo các quy chuẩn khu đô thị gắn với giữ gìn bản sắc kiến trúc truyền thống; tạo lập các khu vực dự trữ phát triển cho các giai đoạn sau năm 2030 năm 2045.

(Tổng hợp bởi odt.vn)