Để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người có thu nhập thấp, lao động phổ thông, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở thương mại có giá dưới 20 triệu đồng/m2.

Tạo mọi điều kiện để phát triển nhà ở thương mại dưới 20 triệu đồng/m2

Giảm 50 – 70% thuế và nhiều ưu đãi về chính sách

Mới đây, trong văn bản kiến nghị gửi đến Ban Dân nguyện cũng như Bộ Xây dựng, cử tri TP HCM đã đề xuất giảm 50 - 70% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp.

Phúc đáp về vấn này, Bộ Xây dựng cho biết đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở thương mại giá thấp (dưới 20 triệu đồng/m2). Theo đó, Bộ đã đề xuất nhiều cơ chế đột phá như giảm tiền sử dụng đất, tiền thuế dự án, đơn giản hóa thủ tục thực hiện dự án…

Cũng theo đơn vị đứng đầu lĩnh vực xây dựng, theo Điều 58 của Luật Nhà ở 2014, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội được miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp xây dựng với mục đích cho thuê cũng được miễn 70% thuế.

Nhưng thực tế lại cho thấy, các chủ dự án chưa được hưởng mức ưu đãi này. Nguyên nhân là bởi hệ thống pháp luật hiện hành chỉ quy định chung về ưu đãi 5% đối với thuế giá trị gia tăng. Còn với hoạt động mua bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp thì chưa có điều khoản rõ ràng.

Đứng trước thực trạng giá nhà ở đô thị đang chênh lệch quá lớn so với thu nhập của đại bộ phận người dân, Bộ Xây dựng cho biết đang nỗ lực phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi. Từ đó tạo điều kiện thuận nhất cho nhà ở giá rẻ phát triển.

Đón chờ bước chuyển biến mới

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản Toàn Cầu (đang thi công nhiều dự án nhà ở tại thủ đô) thì giá nhà chung cư thuộc phân khúc bình dân hiện nay đang ở ngưỡng 35 triệu đồng/m2.

Tức là một căn hộ 70m2 sẽ có giá khoảng 2,5 tỷ đồng. Đối chiếu với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 là 65 triệu đồng/người/năm thì một người muốn sở hữu căn hộ nói trên phải tích góp trong 37 năm. Đấy là còn chưa tính đến chi phí ăn uống, sinh hoạt, trượt giá…

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá nhà vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người lao động, các chuyên gia đề cập đến 2 vấn đề lớn. Một là giá đất cao kéo theo giá nhà cũng tăng theo. Hai là sự chồng chéo, hạn chế trong các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở.

Xét trên phương diện quản lý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Văn Sinh thừa nhận rằng, rất nhiều biện pháp đã được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đưa trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa như mong muốn.

Ông Sinh hy vọng rằng, với những kiến nghị và cơ chế ưu đãi đột phá trong Nghị quyết mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ thì thị trường nhà ở giá rẻ sẽ có bước chuyển biến tích cực. Ước mơ sở hữu một chỗ ở cho mọi người không còn là điều quá xa vời.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)