Bộ Xây dựng đang gấp rút hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý, hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch và hiện đại hóa toàn diện thị trường địa ốc. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra “cuộc cách mạng” trong cách thức mua bán bất động sản tại Việt Nam.

Sắp có trung tâm giao dịch nhà đất do Nhà nước vận hành

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, việc thiết lập một cơ chế giao dịch thống nhất, minh bạch và kiểm soát được rủi ro là yêu cầu cấp thiết. Ngày 15/1/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 03/CĐ-TTg, giao Bộ Xây dựng xây dựng đề án Trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý. Đến tháng 6/2025, văn bản 4932/BXD-QLN được gửi đến các địa phương để lấy ý kiến hoàn thiện đề án.

Theo dự thảo, trung tâm này sẽ là đầu mối tổ chức toàn bộ các giao dịch liên quan đến bất động sản và quyền sử dụng đất, bao gồm cả nhà ở, đất nền, nhà thương mại lẫn đất nông nghiệp, đất công. Mọi giao dịch sẽ được thực hiện trên môi trường điện tử, có xác thực định danh người dùng, kết nối trực tuyến với hệ thống công chứng, thuế và đăng ký đất đai.

Điểm cốt lõi của đề án là công khai mọi thông tin liên quan đến tài sản giao dịch: từ pháp lý, quy hoạch, chủ sở hữu, giá tham khảo đến quá trình giao dịch trước đó. Theo Bộ Xây dựng, chỉ những tài sản đủ điều kiện pháp lý mới được đưa lên sàn. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng rao bán “nhà trên giấy”, dự án chưa được phê duyệt, hoặc bất động sản đang tranh chấp.

Bên cạnh đó, cơ chế liên thông dữ liệu giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công an, cùng chính quyền địa phương sẽ giúp kiểm soát giá khai báo, phát hiện tình trạng “hai giá”, hạn chế thất thu thuế và nạn đầu cơ.

“Việc thành lập trung tâm giao dịch bất động sản là điều tất yếu phải diễn ra và tôi cực kỳ hoan nghênh quyết định này”, ông Trần Trọng Vũ, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Xây dựng DHCONS nhận định. Ông cho rằng, mô hình này sẽ làm chùn tay giới đầu cơ, đặc biệt là các đối tượng chuyên ký gửi nhà đất tại phòng công chứng; đồng thời cắt giảm đáng kể thời gian và thủ tục hành chính. Vì chỉ cần có kết nối internet, người dân ở vùng sâu vùng xa cũng có thể tra cứu giá bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM, hay bất kỳ nơi đâu.

Ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh Miền Bắc đánh giá, đây là một tin vui đối với người mua, người bán và cả cơ quan quản lý nhà nước, nhưng cần tính toán kỹ nguồn lực thực thi. Nếu thiếu đồng bộ, trung tâm sẽ rơi vào tình trạng quá tải hoặc hình thức.

Bà Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý là mô hình được kỳ vọng sẽ tạo nên “cuộc cách mạng” trong ngành địa ốc. Tuy nhiên, hệ thống này cần đáp ứng được ba tiêu chí: an toàn – hiệu quả – trải nghiệm sử dụng.

Theo Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng trình đề án lên Chính phủ ngày 30/6 và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2025; nếu được thông qua, đề án sẽ có hiệu lực từ 01/01/2026.