Trong năm 2024, các tỉnh phía Nam chỉ có duy nhất một dự án nhà ở xã hội được mở bán tại Bình Dương. Riêng TP.HCM không có dự án nào.
Dự án nhà ở xã hội Lê Phong tại Bình Dương
Đây là thông tin từ Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) báo cáo về tình hình thị trường bất động sản nhà ở xã hội tại các tỉnh phía Nam. Theo đó, trong cả năm 2024, các tỉnh phía Nam chỉ có duy nhất một dự án nhà ở xã hội được mở bán trong tháng 10, là Dự án nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Tập đoàn Lê Phong làm chủ đầu tư, với 765 căn nhà ở xã hội.
Còn TP.HCM, nơi có nhu cầu về nhà ở bình dân lớn lại không có một dự án nhà ở xã hội nào được mở bán trong năm 2024. Chỉ có duy nhất một dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư là Dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên tại huyện Bình Chánh. Dù đã được chủ đầu tư theo đuổi từ năm 2018 nhưng tới nay dự án vẫn chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, nên chưa được cấp Giấy phép xây dựng, chưa triển khai thi công.
Mặc khác, dự án Nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Linh Trung 2 (giai đoạn 2) do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Sản xuất Dịch vụ Du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư dù được kỳ vọng sẽ ra mắt vào năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục để khởi công giai đoạn 2.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, tiến độ thi công và tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn còn khá chậm trễ khi từ năm 2021 đến nay, thành phố chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn. Với kết quả trên, thành phố chỉ đạt 8,6% kế hoạch phát triển 69.700 căn hộ nhà ở xã hội là chỉ tiêu mức thấp được giao trong “Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030”.
Theo các chuyên gia bất động sản, nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội phía Nam bị "dậm chân" là do thủ tục pháp lý phức tạp. Mặc dù đã có quy định riêng cho nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn chưa được rút gọn, khiến các dự án bị kéo dài thời gian thực hiện.
Thứ hai là do biên độ lợi nhuận thực tế đối với các dự án nhà ở xã hội chỉ có 6%, nên khó thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư.
Ngoài ra, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội vẫn là sự phối hợp thiếu đồng bộ, đùn đẩy giữa các Sở, ngành, quận, huyện, gây ra nhiều bất cập trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Chính vì những nguyên nhân trên mà các dự án nhà ở xã hội tại các tỉnh phía Nam dù được Chính phủ, người dân mong chờ vẫn triển khai rất chậm. Ngay cả với dự án được mở bán tại Bình Dương, khách hàng đủ điều kiện thủ tục mua nhà ở xã hội vẫn sẽ khó mua vì mức giá được chủ đầu tư đưa ra là 29 triệu/m2, bằng với nhà ở thương mại các chủ đầu tư đang bán ra tại khu vực.