Mới đây, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn đang "ế" mà đã xây dựng gói tín dụng mới là bất hợp lý.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu và hoàn thành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội trong tháng 10.
Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ. Như vậy, vốn của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới sẽ khác với nguồn lực của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trước đó (được hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng, việc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chỉ mới giải ngân được gần 1% (tức khoản 1.344 tỷ đồng) sau 1 năm triển khai mà chúng ta đã xây dựng gói tín dụng mới thì rất bất cập, và có khă năng rơi vào "vết xe đổ".
Lý giải lý do thất bại của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là do lãi suất chưa thực sự ưu đãi, áp dụng thời ngắn sau đó thả nổi nên ít người vay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay việc xây dựng gói tín dụng mới là chưa thực sự cần thiết vì gói tín dụng cũ giải ngân chậm và nhiều địa phương không có dự án mới.
Chỉ nói riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, hiện việc xây dựng nhà ở xã hội mới chỉ đạt tới 40% chỉ tiêu đặt ra. Cụ thể, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 18.700 căn nhà ở xã hội được xây dựng, nhưng tính đến nay, mới chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội với 1.700 căn được khởi công và 5 dự án xây dựng xong với 5.200 căn.
Do đó, theo các chuyên gia bất động sản, trước mắt, cần tập trung đẩy nhanh pháp lý nhằm tăng nguồn cung về nhà ở xã hội, đồng thời sửa gói tín dụng cũ theo hướng lãi suất ưu đãi hơn.
Việc thông qua Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ nhiều chính sách khó khăn, khơi thông nhiều cơ chế, cắt giảm thủ tục hành chính, và tăng cường ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể, nhờ quy định việc quy hoạch quỹ đất nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm của từng địa phương (Luật Nhà ở 2023), các địa phương có thể chủ động đưa ra các chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất phù hợp với nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, luật cũng miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ đất của dự án cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất hay thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều này góp phần tạo động lực giúp các chủ đầu tư bắt tay xây dựng các dự án nhà ở xã hội và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án nhà ở xã hội.