Nút thắt cuối cùng của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chính thức được tháo gỡ và khơi thông, thông qua việc ký hợp đồng vay 6.686 tỷ đồng từ 4 ngân hàng.

Khơi thông dòng vốn dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Khơi thông dòng vốn

Tổng số vốn vay tín dụng 6.686 tỷ đồng của dự án được 4 ngân hàng thương mại bao gồm: VPBank, Agribank, BIDV và VietinBank cam kết cho vay thông qua hợp đồng vốn tín dụng tài trợ ký giữa Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và nhóm ngân hàng thương mại do Vietinbank đại diện vào sáng ngày 16/12/2019.

Trong hợp đồng nêu rõ: Vietinbank cho vay 3.300 tỷ đồng, BIDV cho vay 1.500 tỷ đồng, Agribank cho vay 1.000 tỷ đồng và 886 tỷ đồng là số tiền VPBank cam kết cho vay.

Được biết, trước đó, nhà đầu tư kỳ vọng mức vay là 7.695 tỷ đồng nhưng sau khi xét lại điều kiện giải ngân và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp các ngân hàng không chấp nhận. Mặc dù vậy, theo Phó tổng Giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Trần Văn Thế cho biết: Với số vốn vay nhận được từ các ngân hàng, nút thắt cuối cùng của dự án đã được tháo gỡ. Để dự án về đích đúng hạn vào năm 2021, các nhà thầu, doanh nghiệp sẽ làm việc “thông” tết Nguyên Đán.

Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã nhận được 1.390 tỷ/2.186 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án.

Tổng quan dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nối từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến huyện Cái Bè, Tiền Giang với chiều dài 51km được khởi công từ năm 2009 theo hình thức BOT. Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng thi công của dự án chỉ đạt khoảng 30% do bị đình trệ sau một thời gian dài.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, dự án đã được giao cho nhà đầu tư mới thi công với tổng mức đầu tư cũng được điều chỉnh. Được biết, tổng vốn đầu tư của dự án sau điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp là 2.186 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cam kết là 3.400 tỷ đồng và vốn vay tín dụng là 6.686 tỷ đồng.

Khi được hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này sẽ là một trong những tuyến đường huyết mạch nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm khác ở phía Nam.

 (Nguồn Tổng hợp)