Được coi là công việc “hái ra tiền” và dễ dàng tuyển dụng, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, nghề môi giới bất động sản đã thu hút hàng nghìn người gia nhập. Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ chỉ chú ý đến cái lợi trước mắt là hoa hồng, mà bất chấp mọi thủ đoạn để lừa dối khách hàng. Bán xong cũng là lúc người môi giới và khách hàng trở thành 2 người xa lạ.

Khi môi giới “chạy trốn” khách hàng

Tưởng đùa mà là thật

Cầm trong tay tấm bằng đại học, chàng cử nhân Trần Quốc Khánh đã nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng không có chỗ nào phản hồi. Khánh quyết định xin vào làm vị trí nhân viên kinh doanh tại một sàn bất động sản vì họ không có yêu cầu gì về kinh nghiệm, bằng cấp. Trúng tuyển, cứ ngỡ sẽ được tham gia một khóa học đào tạo cơ bản để tư vấn cho khách hàng nhưng thực tế Khánh chỉ được chỉ dạy từ những anh, chị đã làm nghề lâu hơn ở công ty.

Sau 2 năm bươn chải trong nghề, Khánh đã chuyển việc qua 3 công ty và hiện đang môi giới căn hộ chung cư. Tình cờ gặp được một người bạn cũ, Khánh vui vẻ nhận lời tư vấn giúp sếp của bạn đó mua một căn hộ chung cư tại quận 1. Vậy mà trớ trêu thay, khi nhận được số điện thoại liên lạc, Khánh tá hỏa phát hiện ra người sếp đó là khách hàng cũ của mình.

Từng hứa hẹn với khách hàng về tiềm năng, lợi nhuận khi xuống tiền đầu tư nhưng đến nay dự án gặp phải nhiều vướng mắc về pháp lý và vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Khánh nhận vô vàn lời chỉ trích và yêu cầu chịu trách nhiệm vì đã tư vấn sai sự thật. Không thể chịu được áp lực, Khánh nghỉ việc, đổi số điện thoại và cắt đứt mọi liên lạc với người này.

Tương tự trường hợp của Khánh, câu chuyện của Linh cũng không kém phần bi đát. Linh đăng ký làm nhân viên tư vấn condotel tại dự án FLC Quy Nhơn. Cô cũng tư vấn với khách về quy hoạch, pháp lý, khả năng sinh lời và cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư. Đã quá hạn bàn giao mà không thấy tăm hơi căn hộ đâu, phía chủ đầu tư cũng không trả tiền lợi nhuận như đã ký kết, Linh phải hứng chịu sự phẫn nộ của khách hàng. Người nhẹ nhàng thì gọi điện mắng chửi, nặng hơn thì đe dọa khởi kiện vì hành vi lừa đảo. Linh chia sẻ đây là bài học khó quên trong cuộc đời của mình. Có lẽ cả đời cô sẽ không dám gặp lại hay nghe điện thoại từ những vị khách này.

Về phía người bị lừa, anh Hoàng Tùng Lâm ngụ tại Cầu Giấy, Hà Nội cũng chia sẻ trường hợp của mình. Qua tìm hiểu và thấy bất động sản là kênh đầu tư an toàn, anh quyết định sử dụng số tiền đang dư dả của mình để đầu tư. Để lại thông tin trên 1 trang web, ngay sáng hôm sau đã có nhân viên gọi điện tư vấn. Tin tưởng vào lời quảng cáo và mời gọi, anh vay thêm một chút tiền từ ngân hàng và quyết định xuống tiền. Ấy vậy mà, khi nhận bàn giao căn hộ, anh nhờ chính người tư vấn trước đây thì được thông báo là muốn bán được, phải chấp nhận chịu lỗ. Sau cuộc gọi, anh cũng không thể liên lạc lại với người tư vấn đó nữa.

Giám đốc 1 sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội cho rằng, môi giới cũng có người này, người kia. Đã biết dự án sai phạm, không đủ pháp lý, mờ mắt vì lợi nhuận thì những người môi giới đó đang tự đào hố chôn mình. Giá trị đích thực của một môi giới giỏi nằm ở việc khách hàng có tin tưởng và giới thiệu người mua khác cho mình hay không.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)