Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình trầm lắng của thị trường, thời gian gần đây đã có hơn 300 sàn giao dịch bất động sản của các doanh nghiệp phải đóng cửa (chiếm 1/3 số lượng sàn trên thị trường)

Hàng loạt sàn bất động sản phải đóng cửa vì khó khăn

Hơn 300 sàn giao dịch bất động sản đóng cửa

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có hơn 1000 doanh nghiệp theo hình thức môi giới bất động sản. Trong đó những sàn lớn có quy mô gần 3.000 nhân viên môi giới trên cả nước,  những sàn nhỏ chỉ một vài chục nhân viên. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết hiện hàng loạt sàn môi giới bất động sản đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất.

Trong số 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa thì nguyên nhân chủ yếu là do các dự án không mở bán sản phẩm (do lo ngại dịch bệnh Covid-19 lây lan trong các cuộc gặp giới thiệu sản phẩm). Do đó các sàn không có nguồn thu để nuôi bộ máy công ty, trả lương nhân viên. Trước tình trạng đó nhiều sàn tạm dừng hoạt động để chờ thời cơ hồi phục của thị trường, và cũng không ít sàn phải đóng cửa hẳn chưa hẹn ngày trở lại.

Hơn 500 sàn giao dịch đang hoạt động cầm chừng

Hiệp hội cũng cho biết,  trong số các doanh nghiệp còn lại, khoảng 500 sàn giao dịch tạm dừng hoạt động một phần. Các sàn này có thể là cho nhân viên nghỉ một phần hoặc chia nhân sự công ty thành nhiều nhóm nhỏ, các nhóm sẽ nghỉ luân phiên để giảm quỹ lương cho công ty mà vẫn duy trì được bộ máy.

Theo ông Đính, hiện chỉ có khoảng 150-200 sàn bất động sản có tình trạng hoạt động khá tốt do đã đã ký kết được những hợp đồng mới với các chủ đầu tư từ trước đó, nên hiện tại vẫn còn rổ hàng để bán.

Thực tế cho thấy, sự khó khăn của thị trường không chỉ bởi vì nguyên nhân cạn kiệt nguồn cung tại các thành phố lớn, hoặc do quá trình thanh kiểm tra của cơ quan chức năng mà dẫn tới dự án bị đình trệ, mà còn đến từ dịch bệnh Covid-19.  Nhiều người dù có nhu cầu về nhà đất, căn hộ nhưng vẫn chờ đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động kinh tế ổn định thì mới tính đến việc đặt mua.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá đây là thời điểm mà thị trường thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây khi xảy ra tình trạng không có sản phẩm nào để chào bán ngay sau Tết Nguyên và người mua thì cũng chẳng mặn mà với thị trường khi việc phòng chống bệnh dịch vẫn được ưu tiên hàng đầu.

(Nguồn Tổng hợp)