UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2216/QĐ-UBND ngày 18/05/2021 về thành lập Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Đầu tư 3.226 tỷ đồng xây dựng Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn
Theo đó, dự án Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (SSIP) thuộc xã Minh Trí, Tân Dân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DDK làm chủ đầu tư có quy mô diện tích 302,8ha.
Dự án khu công nghiệp nằm ở vị trí đắc địa, khi cách sân bay quốc tế Nội Bài là 3,7km, cách trung tâm thành phố Hà Nội 20km, cách cảng Cái Lân 125km, cách cảng Hải Phòng 120km, và nằm giáp đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến là 3.226,92 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư góp 850 tỷ đồng làm chi phí thực hiện dự án. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng, kể từ ngày được Nhà nước giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.
Vị trí Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.
Theo quyết định, nhà đầu tư dự án chỉ được thực hiện dự án sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.
Phần diện tích quy hoạch còn lại (37,2ha) không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng khi chưa thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, xác định việc đáp ứng điều kiện cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất, đảm bảo điều kiện thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, và có kế hoạch bổ sung diện tích đất, tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Chủ đầu tư có trách nhiệm ký quỹ đảm bảo việc thực hiện dự án Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn theo quy định.
Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn sẽ được phát triển thành hai giai đoạn. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ thu hút các ngành sản xuất công nghiệp ít gây ô nhiễm độc hại như: Công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ phần mềm tin học; công nghệ vi điện tử, cơ khí, cơ – điện tử, quang – điện tử, tự động hoá; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản và y tế; công nghiệp vật liệu mới, công nghệ nano; và công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng sạch.