Tại Hà Nội, có 5 huyện gồm Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng đã có đề án để triển khai xây dựng lên quận đến năm 2025. Trong đó, để đẩy nhanh quá trình lên quận, thành phố cần phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quy hoạch.

 ha-noi-day-nhanh-qua-trinh-5-huyen-len-quan

Hình thành đô thị hiện đại

5 huyện sắp lên quận gồm Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng đã và đang dần mang dang dấp đô thị nhờ những đồ án quy hoạch chi tiết mà thành phố đã phê duyệt và triển khai xây dựng.

Cụ thể, tại huyện Đan Phượng, khu chức năng đô thị Green City quy mô 130ha đang được triển khai đầu tư xây dựng; Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng quy mô 45ha đang chuẩn bị thi công các hạng mục; Khu đô thị mới Tây Nam xã Tân Lập đã giải phóng mặt bằng diện tích 35ha/42ha. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng xã hội, 8 tuyến đường giao thông cấp huyện có mặt cắt rộng 13-22m.

Tại huyện Đông Anh, đã có 13/15 đồ án quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt, trong đó 88,68% đất tự nhiên của huyện được xác nhận là vùng đô thị trung tâm mở rộng. Trong 81 khu dân cư hiện hữu, có 72 đồ án đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và 4 đồ án đang nghiên cứu đề xuất. Đối với đầu tư hạ tầng, huyện đầu tư phát triển các tuyến cao tốc, quốc lộ và hoàn thiện 20 tuyến giao thông khung, gồm 14 tuyến liên khu vực và 4 trục chính đô thị…

Tại huyện Gia Lâm, trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã triển khai 306 dự án với tổng kinh phí 5.506 tỷ đồng. Về hạ tầng, huyện đã đầu tư nâng cấp 190,5km đường liên thôn, đường giao thông trục chính, trục thôn. Cùng với việc đầu tư 411,8km hệ thống chiếu sáng công nghệ cao, huyện Gia Lâm hiện đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại, Các tuyến đường liên xã, liên thôn tại huyện Gia Lâm được xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại.

Gỡ vướng công tác quy hoạch

Đối với các huyện lên quận tại thành phố Hà Nội, công tác hạ tầng kỹ thuật cần được đầu tư quy hoạch theo hướng đảm bảo các tiêu chí đô thị. Đặc biệt, để đẩy nhanh tốc độ đưa các huyện lên quận, thành phố cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các đồ án.

Cụ thể, huyện Đan Phượng cần giải quyết vướng mắc lớn nhất là hạ tầng khung và khai thác các quỹ đất phía Đông Vành đai 4. Bên cạnh đó, quỹ đất phía Tây Vành đai 4 chưa đáp ứng các tiêu chí lên phường. Thành phố cũng đang đề xuất xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long, đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài. Đối với các tuyến đường khung kết nối khu vực, thành phố đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ và giao cho huyện triển khai đầu tư xây dựng.

Để khai thác hiểu quả quỹ đất phân khu đô thị S1, GS khu vực phía Đông Vành đai 4, thành phố kêu gọi đầu tư thực hiện xã hội hoá công tác lập quy hoạch chi tiết theo định hướng phát triển đô thị.

Với huyện Đông Anh, tiếp tục phê duyệt 2/15 phân khu đô thị còn lại; rà soát, điều chỉnh một số đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (N5, N7, N8, N9, GN). Đồng thời, huyện đề nghị UBND TP chấp thuận chủ trương lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 32 đồ án quy hoạch. Bên cạnh đó, huyện trình UBND TP phê duyệt chỉ giới đường đỏ 18 tuyến đường trục chính, hạ tầng khung.

Mục tiêu của việc phê duyệt các đồ án quy hoạch tại huyện Đông Anh nhằm phủ kín ô quy hoạch thuộc các phân khu đô thị trên địa bàn, đáp ứng điều kiện phát triển và tạo thuận lợi cho công tác triển khai lập quy hoạch chi tiết và phát triển các dự án.