Sau hơn một năm, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân 1.344 tỷ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất phương án sửa đổi và tăng thêm lãi suất cho người mua nhà.
Vào sáng ngày 23/7/2024, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sau hơn 1 năm triển khai mới chỉ giải ngân khoảng 1.344 tỷ đồng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất phương án sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
Theo đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội sẽ được sửa đổi theo hướng tăng ưu đãi cho người mua nhà gồm: lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn cho nhóm big 4 và thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng một lần. Thời gian ưu đãi cũng được sửa đổi thành 5 năm, thay vì 3 năm như trước. Ngoài ra, sau 5 năm, người vay mua nhà sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1 - 2%. Lãi vay mua nhà xã hội mới sẽ giảm 3% so với mức lãi suất bình quân của ngân hàng. Mức lãi suất mới này chỉ áp dụng cho người vay mua nhà, còn với chủ đầu tư, chính sách cho vay vẫn giữ nguyên.
Để hưởng chính sách mới, người vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Đồng thời, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định pháp luật
Ngoài ra, người vay mua nhà chỉ được tham gia chương trình vay vốn theo chính sách mới một lần để mua căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Chủ đầu tư cũng chỉ được tham gia chương trình vay vốn này một lần.
Được biết gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được triển khai từ tháng 4/2023 với 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng) và 2 ngân hàng TMCP tư nhân tham gia (mỗi ngân hàng góp 5.000 tỷ đồng). Gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực hoá mục tiêu xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của gói tín dụng rất chậm, thậm chí "đứng yên". Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên nhân khiến gói tín dụng này giải ngân chậm là do còn nhiều địa phương chưa công bố danh mục nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không có nhu cầu vay vốn. Ngoài ra, một số dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục pháp lý như giải phòng mặt bằng.