Trong cuộc sống, không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đặt sai chỗ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, trong giao dịch mua bán nhà đất, niềm tin, những lời nói suông hay sự nể tình vì những mối quan hệ thân quen… có thể gây ra những hệ lụy và rắc rối khó lường.

Giao dịch nhà đất bằng niềm tin: Nên hay Không?

Câu chuyện không của riêng ai

Năm 2017, anh Nam (Phúc Thọ, Hà Nội) mua một mảnh đất 102m2 tại thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội của ông Sơn (bác họ) với giá trị 1,2 tỷ đồng và chỉ thỏa thuận mua bán bằng giấy tờ viết tay mà không có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền.

Do thường xuyên làm xa nhà và chưa có nhu cầu sử dụng đất nên anh Nam vẫn để ông Sơn chăn nuôi và canh tác trên mảnh đất đó.

Đến đầu năm 2019, do làm ăn thua lỗ nên anh Nam có ý định bán lại mảnh đất này cho một người bạn. Tuy nhiên, ở thời điểm này, giá mảnh đất đã tăng gấp 2 lần so với năm 2017 nên ông Sơn nổi lòng tham, có động thái cản trở và yêu cầu anh Nam phải đưa thêm 400 triệu mới đồng ý giao đất.

Lúc này đây, mặc dù rất muốn kiện ông Sơn ra tòa nhưng anh Nam không có đầy đủ chứng cứ cần thiết nên đành chấp nhận đưa thêm số tiền như ông Sơn yêu cầu để lấy lại mảnh đất. Chỉ vì tin tưởng vào người bác họ mà giờ đây anh Nam không chỉ mất tiền oan mà tình thân cũng sứt mẻ.

Một câu chuyện khác cũng rắc rối không kém là của chị Thu ở quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Năm 2013, qua giới thiệu của người quen, chị mua một căn nhà cấp 4 có diện tích 40m2 tại Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội với giá 800 triệu đồng. Tuy nhiên, căn nhà trên chưa có sổ đỏ, chỉ có một xấp giấy tờ viết tay thể hiện ngôi nhà đã được giao dịch nhiều lần.

Ban đầu cũng lấn cấn, nhưng do tin tưởng chỗ thân quen lại thấy mức giá trên thấp hơn so với mặt bằng của thị trường nên chị Thu đã nhờ người bạn xúc tiến luôn việc mua bán. Nhưng, sau khi đã trả đủ tiền chị Thu mới phát hiện ra ngôi nhà này không chỉ bán cho riêng chị mà có đến 2 người nữa cũng có tập giấy tờ hệt như chủ nhà cũ đưa cho chị. Liên lạc với chủ cũ bằng mọi cách đều không được, trong khi chị Thu không thể sử dụng ngôi nhà và cũng không thể lấy lại tiền.

Không riêng anh Nam và chị Thu, mà còn rất nhiều trường hợp khác nữa cũng phải nhận “trái đắng” khi giao dịch mua bán nhà đất bằng niềm tin và sự cả nể. Điểm chung của những tường hợp này đều là: giao dịch bằng giấy tờ viết tay, không hợp đồng mua bán thông qua phòng công chứng, không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại cơ quản có thẩm quyền… Và khi xảy ra chanh chấp thì người chịu thiệt hại luôn là người mua. Nếu không có tranh chấp xảy ra thì việc tiến hành các thủ tục hợp pháp sau đó cũng rất khó khăn.

5 khuyến cáo của chuyên gia

Dưới đây là các khuyến cáo của chuyên gia mà người mua cần lưu ý và tuân thủ để đảm bảo an toàn trong dịch nhà đất:

Thứ nhất, xác minh mảnh đất có vướng tranh chấp, kiện tụng hay nằm trong dự án quy hoạch không? Bởi lẽ, những nhà đất thuộc các trường hợp trên sẽ không được thực hiện giao dịch mua bán. Người mua có thể tìm đến UBND phường/xã, phòng TN&MT quận/huyện hoặc văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận/huyện… để tìm hiểu thông tin trên một cách chính xác nhất.

Thứ hai, kiểm tra sổ đỏ. Tốt nhất, không nên mua những mảnh đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Với những mảnh đất đã có sổ đỏ, cần xem xét kĩ diện tích đất ghi trong sổ để tránh nhầm lẫn việc mảnh đất có quy hoặc lộ giới hoặc nằm trong một thửa lớn hơn mà không biết.

Thứ ba, xác minh thông tin vay nợ, thế chấp ngân hàng. Thông tin này thường được ghi trên bìa 4 (hoặc bìa 3), hoặc trên một tờ giấy đính kèm có đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai.

Thứ tư, thu thập thông tin về căn nhà dự định mua thông qua bên thứ 3 như: tổ dân phố, hàng xóm… để đánh giá toàn diện các yếu tố về nguồn gốc đất, chủ sở hữu hiện tại của mảnh đất và hiện trạng mảnh đất có đầy đủ, chính xác không.

Thứ năm, tiến hành giao dịch mua bán hợp pháp qua công chứng hoặc chứng thực để có thể đăng ký sang tên và sử dụng hợp pháp. Không nên giao dịch bằng miệng hoặc giấy tờ viết tay.

(Nguồn Tổng hợp)