Nếu như năm 2019 là một năm trầm lắng của thị trường bất động sản Việt Nam do phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức thì năm 2020 được các chuyên gia nhận định rằng thị trường sẽ có nhiều cơ hội hồi phục và bứt phá mạnh mẽ.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ 2 thì thị trường bất động sản Việt Nam từ cuối năm 2018 đến nay có nhiều dấu hiệu giảm sút. Đặc biệt, trong Quý 3/2019, nhiều địa phương tiếp tục chứng kiến đà đi xuống.
Rõ ràng nhất là tại phân khúc bán căn hộ chung cư ở Hà Nội. So với cùng kỳ năm trước, tổng số sản phẩm mới được chào bán đã giảm hơn 4.000 căn và ít hơn khoảng 2.200 so với Quý 2 năm nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vẫn tin tưởng rằng trong năm 2020 thị trường vẫn có 5 cơ hội bứt phá:
Thứ nhất, sự ổn định của thị trường vẫn được duy trì nhờ vào các yếu tố tích cực của nền kinh tế vĩ mô. Kết hợp với những cải cách kinh tế của Chính phủ và nỗ lực điều hành chính sách của nhà nước sẽ góp phần không nhỏ ổn định nền kinh tế và thúc đẩy tăng trường xã hội.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo, mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt 7,02% - vượt từ 6,6 - 6,8% so với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019 mà Quốc hội đề ra. Đáng chú ý, tăng trưởng GPD 9 tháng đầu năm 2019 đạt mức kỷ lục - cao nhất gần thập kỷ qua, đây chính là một trong những dấu hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới, do đó nhu cầu về nhà ở còn rất lớn, đặc biệt là tại các khu đô thị. Kết hợp với sự tăng trưởng dân số tự nhiên và sự di dân trong những năm gần đây mà nhu cầu về mua bán nhà ở tại các thành phố có nền kinh tế phát triển như Hà Nội và Tp.HCM ngày càng tăng cao.
Để đáp ứng nhu cầu của dân cư đô thị, hàng năm Việt Nam phải xây mới khoảng 100 triệu m2, trong đó nhà ở chiếm 70%.
Thứ ba, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận những tăng trưởng vượt bậc trong thời quan qua. Kéo theo đó là nhu cầu về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và nhu cầu vui chơi giải trí cũng tăng theo.
Ước tính, trong thời gian tới, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 85 triệu lượt khách nội địa có thời gian nghỉ từ 3- 4 ngày và khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế, thời gian thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày… Để đáp ứng lượng khách khổng lồ này, chúng ta cần phải bổ sung thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn, đặc biệt là những phòng tiêu chuẩn cao cấp.
Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp cũng đứng trước cơ hội tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ do Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu, thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.
Thứ tư, vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng mạnh và ngày một thực chất hơn. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 10 tháng đầu năm 2019, vốn FDI tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái - đạt 29,11 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2, chiếm 10,2% tổng số vốn đầu tư đăng ký - khoảng 2,98 tỷ USD.
Đặc biệt, sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định tự do hóa thương mại và mới đây nhất là Hiệp định EVFTA, CPTPP… càng tạo ra độ mở cao cho nền kinh tế giúp chúng ta đứng trước cơ hội lớn để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, suốt thập niên vừa qua, Việt Nam luôn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng và thành quả đạt được là chúng ta đã vượt qua cả khối các nền kinh tế Đông Á (vốn nổi tiếng với mức đầu tư cơ sở hạ tầng cao) với tổng đầu tư hạ tầng đến nay đã chiếm bình quân hơn 10% GDP.
Đáng chú ý, giai đoạn từ 2012 - 2019, chỉ 7 năm nhưng cả nước đã có thêm nhiều dự án trọng điểm về giao thông với đa dạng hình thức đầu tư như: vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA đến các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP).. .để góp phần tăng khả năng kết nối liên vùng, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển sâu rộng hơn.