Theo kế hoạch xây dựng sân bay Long Thành được Quốc hội phê duyệt thì dự án cần thu hồi 5.364 ha đất của 26 tổ chức và 5.283 hộ gia đình với tổng số 15.716 thửa đất. Về cơ bản các hộ dân đã đồng ý với phương án giải phóng và đơn giá bồi thường. Tuy vậy vẫn tồn tại khó khăn buộc các cơ quan chức năng phải can thiệp để dự án đảm bảo tiến bộ.

Gặp khó khi thu hồi đất tại sân bay Long Thành

Gặp nhiều khó khăn

Trong quý 2/2020 tỉnh Đồng Nai sẽ phải bàn giao mặt bằng khoảng 1.810 ha để khởi công giai đoạn 1 nhưng đến nay mọi chuyện vẫn diễn ra chậm chạp. Cụ thể vẫn còn 138/1145 căn của hộ gia đình, cá nhân với khoảng 88 ha đất chưa xác định được nguồn gốc. Nguyên do được địa phương đưa ra là nhiều thửa đất vắng chủ, không xác định chủ sở hữu đất để lập hồ sơ kiểm đếm, thu hồi, đền bù.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã yêu cầu Hội đồng Thẩm định nhà nước hoàn thành công tác thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án trong tháng 3/2020. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định Nhà nước dự kiến tháng 6/2020mới trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt dự án. Đây cũng là lý do gián tiếp dẫn đến tiến độ đầu tư dự án sân bay Long Thành bị chậm trễ.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai - Ông Cao Tiến Dũng nhận định khó khăn lớn nhất mà tỉnh phải đối mặt là công tác giải phóng mặt bằng. Dù đã đăng thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không thể liên hệ được với chủ sử dụng.

Nguyên nhân của tình trạng “mất chủ” này là do quy hoạch dự án được kéo dài hơn 20 năm. Đó là một khoảng thời gian quá dài để người dân chờ đợi dự án được triển khai nên họ đã chuyển đi nơi khác. Một số trường hợp lại chuyển nhượng nhưng dưới hình thức viết tay hay lách luật bán dưới dạng ủy quyền. Số còn lại là không đồng ý với hồ sơ kỹ thuật vì diện tích được bồi thường giảm so với thực tế gây khó khăn trong công tác xác nhận chủ sử dụng.

Động thái quyết liệt từ cơ quản lý

Theo kế hoạch được phê duyệt, công tác chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân thuộc diện ưu tiên giải phóng mặt bằng được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 diễn ra từ ngày 18/05, chi trả tổng số tiền gần 70 tỷ đồng chi 1.800 ha của 17 hộ dân. Ngày 12/6 thực hiện chi trả tiền bồi thường giai đoạn 2, gồm 148 hộ dân và số tiền chi trả khoảng 170 tỷ đồng.

Thời điểm hiện tại, hầu hết các hộ dân đã đồng thuận chủ trương, địa phương đã kiểm đếm và áp giá bồi thường. Chủ tịch huyện Long Thành ông Võ Tấn Đức cho biết đã thành lập tổ công tác xử lý đối với các thửa đất thiếu chủ. Tổ này có trách nhiệm đẩy mạnh công tác tìm chủ, liên lạc mời chủ sử dụng đất về địa phương phối hợp thực hiện quy trình kiểm đếm, đo đạc, hoàn thành hồ sơ thu hồi, bồi thường. Nếu hết hạn thông báo mà các chủ sử dụng vẫn chưa liên lạc để cung cấp thông tin thì tổ công tác vẫn sẽ kiểm đếm vắng chủ theo quy định.

Tỉnh Đồng Nai đã điều động 51 cán bộ, viên chức từ các sở, ngành liên quan xuống huyện Long Thành để hỗ trợ địa phương thực hiện xác định nguồn gốc sử dụng đất, kiểm kê đất đai, lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân thuộc trường hợp bị thu hồi đất. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức sau khi xã Suối Trầu giải thể sẽ làm việc tại phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)