Với chiều dài 130km, tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sẽ đi qua nhiều tỉnh miền Tây, bao gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ kết nối với mạng lưới đường bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy giao thương trong khu vực.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Mới đây tại buổi làm việc giữa UBND TP. Cần Thơ với Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, 2 bên đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan tới việc lên phương án hướng tuyến đoạn qua địa bàn tỉnh của dự án đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Được biết dự kiến tổng mức đầu tư toàn tuyến là 47.000 tỷ đồng, 1 nửa trong số đó là ngân sách Nhà nước. Trong đó riêng đoạn qua địa bàn Cần Thơ dự kiến chi phí là 7000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2025 tới 2030.
Tại buổi làm việc, phía đơn vị tư vấn cho biết theo quy hoạch dự kiến, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ dài 4,6km, điểm đầu của tuyến cao tốc sẽ nối với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, sau đó đi song song với Quốc lộ 1. Toàn tuyến sẽ bao gồm 112 cầu, 8 nút giao và 8 cầu vượt. Theo thiết kế được duyệt, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sẽ gồm 4 làn xe, vận tốc cho phép là 100km/h.
Chiều dài toàn tuyến là 130km, vì vậy sẽ đi qua nhiều tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau.
Cũng theo đơn vị tư vấn, để kịp trình Chính phủ đưa dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, TP. Cần Thơ cần sớm thống nhất hướng tuyến sơ bộ trước tháng 10 năm nay.
Về phía UBND TP. Cần Thơ, ông Trương Quang Hoài Nam - Phó chủ tịch UBND TP cho rằng đây là dự án quan trọng của cả khu vực, kết nối với nhiều tuyến cao tốc khác như Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận, do đó việc hoàn thành dự án sẽ mang lại lợi ích to lớn trong việc thúc đẩy kinh tế toàn vùng, đồng thời còn làm thay đổi bộ mặt đô thị của TP. Cần Thơ nói chung và quận Cái Răng nói riêng.
Do đó, ông đề nghị các sở ngành liên quan phải khẩn trương nghiên cứu hướng tuyến của cao tốc sao cho hợp lý nhất, vừa đảm bảo kết nối đồng bộ với mạng lưới giao thông khu vực, vừa tiết kiệm được quỹ đất, qua đó giảm chi phí giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh được tiến độ dự án.
(Tổng hợp bởi odt.vn)