UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển công nghiệp, trong đó mở rộng thêm 3 khu công nghiệp và triển khai thêm 8 khu công nghiệp mới.

dong-nai-bo-sung-6500ha-dat-cong-nghiep-tren-dia-ban-tinh

Đồng Nai phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Theo đó, công nghiệp được xác định là lĩnh vực phát triển trọng tâm của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2021 – 2025. Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh có tỷ lệ ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 57%, dịch vụ chiếm gần 38% trong khi nông nghiệp chỉ chiếm 5%.

Do đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp, trong đó mở rộng thêm 3 khu công nghiệp và triển khai thêm 8 khu công nghiệp mới.

8 khu công mới sẽ được xây dựng tại tỉnh gồm Khu công nghiệp Bàu Xéo 2 tại Trảng Bom; Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Xuân Quế tại Cẩm Mỹ; Khu công nghiệp Phước Bình 2, Phước Bình 3, Phước Bình 4, KCN dịch vụ đô thị Bình An tại Long Thành; Khu công nghiệp Hàng Gòn tại Long Khánh; Khu công nghiệp dịch vụ cảng Phước An tại Nhơn Trạch. Tổng diện tích các khu công nghiệp trên là 4.300ha.

Tỉnh cũng mở rộng 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 745ha gồm: Khu công nghiệp Long Khánh mở rộng, Khu công nghiệp Dầu Giây và Khu công nghiệp Tân Phú.

Đối với các khu công nghiệp đã được phê duyệt như Khu công nghiệp Gia Kiệm ở Thống Nhất, Khu công nghiệp Cẩm Mỹ ở Cẩm Mỹ và Khu công nghiệp Phước Bình ở Long Thành, tỉnh đang gấp rút hoàn tất các thủ tục đầu tư.

Tại thành phố Long Khánh, tỉnh mở rộng Khu công nghiệp Long Khánh thêm 500ha và thêm Khu công nghiệp Hàng Gòn 300ha.

Ngoài ra, tỉnh cũng mở rộng Khu công nghiệp Amata về phía Đông Bắc. Khu công nghiệp Amata có tỷ lệ lấp đầy là 100%, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư thứ cấp và tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 60 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.

Khu công nghiệp Amata có diện tích hiện là 513ha. Tỉnh sẽ mở rộng thêm 18,5ha đất công nghiệp; 3,3ha đất giao thông, bến bãi; và 5,4 đất cây xanh; nâng diện tích khu công nghiệp Amata lên 540ha.

Các địa phương như Trảng Bom, Long Thành, Long Khánh, Thống Nhất, Nhơn Trạch cũng đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Trong 5 năm tới, sau khi cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhiều tuyến đường cao tốc được xây dựng và đưa vào khai thác, tỉnh Đồng Nai sẽ ngày càng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Tỉnh Đông Nai luôn có tiềm năng phát triển công nghiệp rất lớn. Các dự án công nghiệp đã và đang góp phần phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, công nghiệp phát triển dẫn tới tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) mỗi năm đều tăng cao, tạo ra việc làm cho hơn 1 triệu lao động, cải thiện thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Năm 2018, Đồng Nai đã góp trên 50,7 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.