Thị trường bất động sản Gia Lai có dấu hiệu “tăng nhiệt” rõ rệt. Giá nhà đất tại thành phố Pleiku và toàn tỉnh Gia Lai hiện nay tăng trung bình từ 1,5 đến 2 lần so với vài năm trước đây.
Quy hoạch đồng bộ
Từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường mua bán nhà đất Gia Lai đang tạo ra những biến động lớn với giá nhà đất bắt đầu khởi sắc kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai trở thành “vùng động lực” trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào – Campuchia.
Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; là vùng kinh tế tổng hợp bao gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
Phát triển hạ tầng hiện đại
Bên cạnh yếu tố về quy hoạch đồng bộ, sự phát triển của cơ sở hạ tầng đã tạo cú hích đánh thức tiềm năng thị trường bất động sản tỉnh Gia Lai.
Gia Lai hiện sở hữu hệ thống giao thông tương đối đa dạng, bao gồm cả đường bộ và đường hàng không. Ngoài ra, hệ thống sáu tuyến quốc lộ hiện đại với tổng chiều dài 722 km đã giúp Gia Lai kết nối thông suốt với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và nước láng giềng Campuchia... Tuyến quốc lộ 19 và đường Hồ Chí Minh chạy xuyên tâm và giao nhau tại Tp. Pleiku, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku - cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cũng mang lại cho tỉnh Gia Lai nhiều ưu thế về cơ sở hạ tầng.
Gia Lai đang ngày càng hoàn thiện hệ thống giao thông hạ tầng.
Với mục tiên hoàn thiện hệ thống giao thông hạ tầng ngày càng hiện đại, tỉnh Gia Lai đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải từ năm 2011-2020 có tổng kinh phí là 24.223 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tiến hành nâng cấp và mở rộng các tuyến đường giao thông chính trong thành phố Pleiku như đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Cách mạng Tháng Tám...
Thu hút đầu tư
Chính quyền tỉnh Gia Lai có những cơ chế mở về chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt chủ trương đầu tư 58 dự án, trong đó 42 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với nguồn vốn thực hiện 5.095 tỷ đồng.
Tính tới thời điểm hiện tại, một số dự án nổi bật với quy mô lớn đã đổ về Gia Lai có thể kể đến như Khu du lịch sinh thái khu vực miệng núi lửa cũ (thành phố Pleiku); khu du lịch sinh thái tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai); tổ hợp khách sạn 5 sao, siêu thị, nhà phố thương mại FLC Hill Top Gia Lai; dự án tháp đôi, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp FLC Pleiku tại đường Quang Trung - đường Trần Hưng Đạo (thành phố Pleiku) …
Cộng hưởng sức nóng từ làn sóng đầu tư, giá đất tại thành phố Pleiku cũng như toàn tỉnh Gia Lai hiện nay tăng trung bình từ 1,5 đến 2 lần so với vài năm trước đó.
Cụ thể, giá đất tại các tuyến đường chính như Hùng Vương một vài năm trước là 20-50 triệu đồng/m2 thì đến cuối năm 2018, mỗi mét vuông có giá hàng trăm triệu đồng. Các đường thuộc khu vực trung tâm như Trần Phú, Phan Đình Phùng… giá đất mỗi mét vuông không dưới 1,5 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản Gia Lai đang ngày càng sôi động với giá nhà đất liên tục tăng vọt đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Họ không chỉ tìm kiếm cơ hội ở những khu vực nhà đất đang sốt, mà những điểm nhà đất giá rẻ tại địa phương cũng được quan tâm đặc biệt. Bất động sản phát triển khá đồng đều, ngay cả những khu vực vùng ven, hoạt động mua bán đất Gia Lai cũng diễn ra vô cùng náo nhiệt.
(Nguồn tổng hợp)