Chiều ngày 07/11/2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội “Về giá các loại đất trên địa bàn TP. Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024”.
Hà Nội đề xuất tăng giá bình quân các loại đất lên 30%
Tại Hội nghị, TP.Hà Nội xin ý kiến về tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố, cụ thể đề xuất tăng giá bình quân lên 30% giá.
Lý giải cho đề xuất này, TP.Hà Nội cho rằng, việc tăng giá đất sẽ làm giảm tình trạng đầu cơ đất, đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất, tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời tạo lập cơ chế chính sách đồng bộ trong việc quản lý đất đai.
“Việc xây dựng bảng giá đất mới được nghiên cứu cụ thể, đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định” - ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ tịch HĐTV Dân chủ, Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Thảo cũng cho rằng, do giá đất của Hà Nội cao hơn giá đất của tất cả các thành phố lớn trên cả nước nên TP.Hà Nội cần kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù. Ngoài ra, để người dân không bị thiệt thòi về việc điều chỉnh giá đất thành phố giai đoạn 2020-2024, thành phố cần điều chỉnh sao cho thỏa đáng, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp vì nơi đây thấp hơn so với thực tế rất nhiều lần.
Trong khi đó, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - GS Đặng Hùng Võ cho biết: “Đã đến lúc quy định bảng giá đất bằng giá trung bình trên thị trường”.
Loạn giá đất trên địa bàn
Luật Đất đai 2013 quy định: Bảng giá các loại đất là căn cứ để tính thuế sử dụng đất; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; tính tiền bồi thường cho nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai...
Trên địa bàn thành phố, mà đặc biệt tại các khu phố sầm uất đang xảy ra tình trạng, giá bán thực tế cao hơn giá đất trong dự thảo rất nhiều lần. Cụ thể, tại khu vực phố Hàng Ngang, Hàng Đảo, bảng giá đất là hơn 800 triệu đồng/m2, trong khi giá trong dự thảo Chính Phủ đưa ra chỉ từ 200 - 300 triệu đồng/m2.
Hay như ở phố Lý Thường Kiệt, giá chuyển nhượng thực tế đạt mức kỷ lục là hơn 900 triệu đồng/m2, trong khi giá chuyển nhượng thực tế tại các quận khác phổ biến từ 10 - 500 triệu đồng/m2. Đủ thấy được mức chênh lệch đến như thế nào.
Chính vì lẽ đó, liên ngành thành phố đã có không ít cuộc khảo sát và lấy ý kiến của người dân và địa phương để xây dựng khung giá đất sát với thực tế nhất.
Dự kiện, dự thảo Nghị quyết bảng giá đất trên sẽ được trình HĐND xem xét, thông qua trong kỳ họp đầu tháng 12 tới và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
(Nguồn Tổng hợp)