Trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM; Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị xây tầng lánh nạn tại các chung cư cao tầng.

Chung cư cao trên 100m phải có tầng lánh nạn

Hai nguyên nhân chính

Trong hơn 20 năm qua, Nhà nước đã thực hiện chủ trương phát triển mô hình nhà chung cư cao tầng tại các đô thị. Bên cạnh đó, Luật Phòng cháy chữa cháy và nhiều quy định khác có liên quan đến cứu hộ, cứu nạn đối với các công trình này cũng được ban hành. Nhưng theo HoREA, vẫn cần bổ sung các quy định chi tiết về tầng lánh nạn vì những nguyên do sau:

Thứ nhất, dân cư thiếu kỹ năng thoát hiểm. Hiện nay, phần lớn cư dân sống tại chung cư cao tầng đến từ các khu nhà thấp tầng trong đô thị hoặc đến từ nông thôn. Họ không có những kỹ năng cần thiết để thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra (hoặc có được luyện tập nhưng đã quên vì không thường xuyên sử dụng). Như vậy, việc có tầng lánh nạn giúp cả cư dân và khách vãng lai được đảm bảo an toàn trong lúc chờ đơn vị cứu hộ đến.

Hai là, khu vực cháy có thể nằm ngoài phạm vi cứu hộ. Để bắt kịp với xu thế phát triển của nền kinh tế và nhu cầu từ người mua, ngày càng xuất hiện nhiều dự án căn hộ chung cư cao tầng có chức năng hỗn hợp như: Vincom Landmark cao 461 m, Keangnam Hanoi Landmark Tower cao 329 m, Lotte Center Hà Nội cao 272 m… Nhưng chiều cao của thang xe cứu hộ hiện nay không tiếp cận được với độ cao này, do nguồn ngân sách cấp cho công tác PCCC còn khá hạn chế.

Ngoài ra, lực lượng PCCC cũng chưa có máy bay chữa cháy, trực thăng cứu hộ và chưa được trang bị những trang phục bảo hộ lao động chuyên dụng, an toàn.

Kiến nghị của HoREA

Dựa vào những lý do trên, HoREA kiến nghị, chung cư có thiết kế 30 – 50 tầng (cao từ 100 - 150 m) phải có tầng lánh nạn để giảm hiểu rủi ro về nhân mạng khi có sự cố. Cụ thể, chung cư cao 30 – 40 tầng phải bố trí ít nhất 1 tầng lánh nạn, chung cư 40 – 50 tầng bố trí ít nhất 2 tầng lánh nạn. Chú ý, các tầng lánh nạn không được phép bố trí văn phòng, căn hộ, dịch vụ hay tổ chức các hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, vấn đề mà HoREA lo ngại là việc có thêm tầng lánh nạn sẽ làm giảm số lượng căn hộ, giảm diện tích kinh doanh và tăng chi phí của chủ đầu tư. Từ đó, sẽ làm tăng giá bán căn hộ, giá thuê diện tích sàn kinh doanh… Cuối cùng vẫn là người mua và người đầu tư thứ cấp phải chịu thiệt.

Vì vậy, để giảm bớt chi phí cho chủ đầu tư và người mua căn hộ, Horea kiến nghị cơ quan cấp phép khi tính hệ số sử dụng đất không tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án. Phương án giải quyết hợp lý là cộng thêm chiều cao tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của tòa nhà.

Đối với nhà cao tầng có chiều cao trên 150 m, Hiệp hội đề nghị các cơ quan có chức năng nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn về tầng lánh nạn của các nước trên thế giới để bổ sung vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2020/BXD).

Mặt khác, để thực hiện các quy định của Luật Nhà ở, các công trình cao tầng phải được lắp đặt hệ thống tự động phát hiện cháy, hệ thống đảm bảo khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu khó cháy; không sử dụng vật liệu trang trí, vật liệu cách nhiệt, cách âm dễ cháy…

(Tổng hợp bởi odt.vn)