Thị trường bất động sản (BĐS) nói chung và phân khúc chung cư nói riêng đều đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Khảo sát tình hình thực tế cho thấy, nhiều chủ căn hộ chung cư đang rao bán căn hộ của mình với các cụm từ “cắt lỗ”, “bán gấp”, “cần thu hồi vốn”…
Ảnh minh họa
Chia sẻ từ người mua
Chị Đỗ Hương Quỳnh, một nhân viên kế toán tại Hà Nội cho hay: Giữa năm 2019, gia đình chị có mua một căn hộ ở quận Tây Hồ và chọn hình thức thanh toán theo tiến độ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát từ đầu năm 2020, công ty gặp khó khăn, lương của chị bị cắt bớt và không trả nổi tiền nhà. Dù đã tìm đủ mọi cách, vay mượn khắp nơi nhưng vẫn không có tiền, chị chấp nhận bán “cắt lỗ” căn hộ. Thế mà gần 4 tháng nay chưa có người hỏi chứ đừng nói đến là mua.
“Hôm trước, phía chủ đầu tư gửi thông báo nhắc nhở, chúng tôi đã trễ hạn thanh toán 1 kỳ rồi, nếu kỳ tiếp theo vẫn không nộp họ sẽ tiến hành thu hồi nhà. Ngoài ra còn phải chịu tiền phạt và các loại phí khác nữa. Tôi thực sự rất lo lắng, không biết bao giờ mới có thể ổn định lại cuộc sống”, chị Quỳnh tâm sự.
Cùng chung hoàn cảnh, anh Đỗ Ngọc Trung đang rao bán gấp căn chung cư gần 75m2 tại quận Hoàng Mai với giá 2,3 tỷ đồng. Nếu so với mức giá lúc anh Trung mua thì giá rao bán này đã thấp hơn khoảng 200 triệu đồng, chưa kể chi phí làm nội thất mà vẫn không bán được. “Tôi mua được căn nhà này có một phần tiền từ vay ngân hàng và phải trả lãi hàng tháng. Nếu không bán được, tôi có thể bị ngân hàng siết nợ và thu hồi mất nhà”, anh Trung giãi bày.
Giám đốc một công ty địa ốc tại Hà Nội chia sẻ, dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách hàng giảm thu nhập, thậm chí là mất việc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc trả tiền mua nhà theo tiến độ dự án. Có trường hợp khách chấp nhận mất tiền đặt cọc vì không còn khả năng thanh toán.
Đề xuất giảm lãi, giãn tiến độ
Đứng trước thực trạng khó khăn, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc; cơ cấu lại nợ, lãi vay trong thời hạn 12 tháng; không chuyển nợ xấu cho các đối tượng vay mua nhà khi đáo hạn.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội, thị trường bất động sản trong thời gian qua đang rơi vào trầm lắng. Cụ thể, lượng giao dịch giảm 70% kéo theo doanh thu sụt giảm gần 80%. Cùng với đó, hơn 10% số người mua nhà phải xin thanh lý hợp đồng vì khó khăn tài chính do thu nhập giảm và không trả được lãi vay ngân hàng. Nếu phía ngân hàng không có động thái gì thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ đứng trước nguy cơ phá sản vì không đẩy được sản phẩm đi.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang nhanh chóng hoàn tất việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN để bảo đảm phù hợp thực tiễn. Thống đốc ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng chỉ đạo toàn hệ thống các tổ chức tín dụng cần triển khai mạnh mẽ các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, phí…
Đồng thời, nâng cao cao trách nhiệm của Ngành với toàn bộ nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng phải xác định rõ, việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid cũng chính là giúp bản thân mình vượt qua khó khăn lúc này.
(Tổng hợp bởi odt.vn)