Vay ngân hàng khi mua nhà trả góp là giải pháp giảm áp lực tài chính và rút ngắn thời gian sở hữu căn hộ. Tuy nhiên, hình thức cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến người mua nhà rơi vào nợ nần.

3-rui-ro-khien-nguoi-mua-nha-roi-vao-no-nan-khi-vay-ngan-hang-de-tra-gop

1. Rủi ro lãi suất

Khi vay mua nhà, bạn cần phải tìm hiểu vấn đề về lãi suất cho vay trong các gói ưu đãi của ngân hàng. Nhiều người nghĩ rằng lãi suất thấp là tốt nhất tuy nhiên không hẳn là như vậy. Lãi suất thấp thường đi kèm với nhiều điều kiện bắt buộc. Hơn nữa, dù lãi suất ưu đãi trong giai đoạn đầu thấp thì khi hết kỳ hạn, lãi suất sẽ bị “thả nổi”, có khi lên tới 10 - 12%. Nếu người mua không đủ khả năng tài chính thì rất dễ rơi vào nợ nần.

Chưa kể, những gói lãi suất thấp thường đi kèm với thời hạn vay dài, kết quả số lãi phải trả cuối kỳ rất cao, nhiều người không đủ khả năng trả cả lãi lẫn gốc. Do vậy, trước khi vay ngân hàng mua nhà, người mua cần phải tìm hiểu gói lãi suất vay đó áp dụng như thế nào, thời hạn vay ra sao, lãi suất ưu đãi và lãi suất sau ưu đãi như thế nào để đảm bảo khả năng chi trả.

 2. Rủi ro tài chính

Rủi ro này là do khách hàng xác định khoản vay chưa hợp lý, không đọc kỹ các điều khoản có trong hợp đồng khi vay tiền ngân hàng mua nhà. Kết quả, việc vay một số tiền lớn trong khi ngân sách hạn hẹp khiến nhiều người mua nhà rơi vào tình cảnh nợ nần. Do đó, theo các chuyên gia, để giảm thiểu rủi ro tài chính tới mức tối đa, người mua nên chọn gói vay sao cho việc trả nợ chỉ chiếm khoảng 30% tổng thu nhập trong tháng.

Ngoài ra, người mua cần phải quan tâm mức phí phạt khi tất toán trước hạn là bao nhiêu. Khoản phí này thường được quy định trong hợp đồng vay ngân hàng mua nhà và được tính theo công thức: (Tỷ lệ phí trả nợ trước hạn) x (Số tiền trả trước). Trong đó, tỷ lệ phí trả nợ trước hạn là phần trăm sẽ bị phạt được ghi trong hợp đồng, số tiền trả trước là số tiền khách hàng còn vay và giờ trả hết (số tiền còn nợ). Như vậy, tỷ lệ phí trả trước hạn càng cao thì người vay phải trả số tiền phạt càng lớn.

3. Rủi ro pháp lý

Ngoài rủi ro lãi suất và rủi ro tài chính, người mua nhà bằng việc vay tiền ngân hàng trả góp còn chịu một rủi ro nữa là rủi ro liên quan đến vấn đề pháp lý của dự án, cụ thể:

  • Người mua nhà đặt cọc, nộp tiền theo đúng tiến độ nhưng sau đó dự án bị treo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án bị treo nhưng người mua có thể giảm thiểu rủi ro này bằng cách lựa chọn những dự án của nhà đầu tư có uy tín và tên tuổi.
  • Người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ trả tiền nhưng chưa nhận đủ giấy tờ nhà.
  • Người mua thiếu kinh nghiệm, kiến thức pháp luật trong khi hợp đồng mua bán căn hộ tồn tại nhiều kẽ hở, không rõ ràng các điều khoản như diện tích sử dụng, tiện ích chung/riêng, tổng số tiền cần thanh toán đã bao gồm phí bảo trì hay chưa…Do đó, người mua nhà cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình.

(Tổng hợp bởi odt.vn)