Các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để tháo gỡ vấn đề trên, UBND TP.HCM đã đưa ra những biện pháp tháo gỡ để tránh tác động đến nền kinh tế cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

Giải pháp tháo gỡ

Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà đánh giá tại buổi họp kinh tế, xã hội tháng 1 của UBND TP.HCM ngày 18/2 vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS), đầu tư vốn cá nhân sụt giảm đã tác động đến tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thuế thu nhập cá nhân tăng 7,92% nhưng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm qua.

Đầu năm 2018, TP thành lập tổ công tác về đầu tư do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Tuy nhiên, mỗi buổi họp chỉ giải quyết được 3 - 4 dự án. Ông Phong cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ các dự án đã được Chính phủ và bộ, ngành cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ.

Cuối tuần này, lãnh đạo TP.HCM sẽ gặp gỡ doanh nghiệp BĐS để lắng nghe những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp. Văn phòng UBND TP phải sắp xếp lịch làm việc hằng tuần cho tổ công tác, nếu các ngày trong tuần bận công việc thì có thể xếp lịch vào thứ bảy hoặc chủ nhật để giải quyết những tồn đọng, vướng mắc của các dự án.

Cùng ngày, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án cả ngàn tỉ đồng, ngân hàng cũng “bơm” thêm hàng ngàn tỉ đồng mà không cấp phép xây dựng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính vì vậy, Sở Xây dựng phải làm nhanh để cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp, không được để “đứng hình” hết.

“Trên địa bàn TP hiện nay có nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, triển khai quá chậm; nguyên nhân là do sự phối hợp của các sở ngành chưa đồng bộ, chưa rõ trách nhiệm. Điển hình như việc xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh khi điều chỉnh bị chậm dẫn đến việc cấp phép xây dựng cho các dự án bị chậm. Hay 20% quỹ nhà ở xã hội của các dự án có khi doanh nghiệp năn nỉ TP lấy nhưng các cơ quan của TP không trả lời dứt điểm, doanh nghiệp xin tự bán cũng không cho”, ông Hoan nêu vấn đề và giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông cùng các sở ngành liên quan trong năm 2020 phải “số hóa” dữ liệu nhà, đất, trước mắt là tại những khu vực trung tâm, phối hợp đồng bộ với các sở ngành tổng rà soát lại quy hoạch…

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng phải tiến tới quản lý xây dựng trên cơ sở quy chế xây dựng và thiết kế đô thị, giấy phép xây dựng phải được thực hiện trên thiết kế đô thị, từ đó tránh tình trạng chạy chỉ tiêu quy hoạch, phòng chống nhũng nhiễu, tham nhũng trong công tác cấp phép.

Ngoài ra, ông Võ Văn Hoan còn chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành tổng rà soát quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn TP, nhất là quỹ nhà xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, xem xét để TP chọn nhà hay quy đổi thành tiền, để từ nguồn tiền này phát triển những dự án nhà ở xã hội độc lập; đồng thời rà soát lại quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

(Nguồn tổng hợp)