Thành phố Thanh Hoá là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển đô thị thông minh, hiện đại, trong đó có vị trí địa lý, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông; trình độ dân trí…
Thành phố Thanh Hoá phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh
Cụ thể, TP.Thanh Hoá có vị trí quan trọng của tỉnh Thanh Hoá và khu vực Bắc Trung Bộ, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hoá.
Ngoài ra, thành phố còn có hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông tương đối hoàn chỉnh; Trình độ dân trí cao, trên 70% dân số sử dụng Internet; Các thiết bị thông minh được sử dụng rộng rãi; chương trình xây dựng chính quyền điện tử được triển khai đồng bộ và có chất lượng;
Công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ và tích cực như Dịch vụ hành chính công, phần mềm tương tác trực tuyến tiếp nhận phản ánh kiến nghị trực tuyến của người dân; hệ thống camera giám sát tại các tuyến phố và khu dân cư, các phần mềm quản lý y tế, giáo dục, dân cư được áp dụng, phòng họp trực tuyến…
Nhờ đó trong giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 43,75% của cả tỉnh; tổng vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2016-2020 ước đạt 143.000 tỷ đồng, chiếm 23,44%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 22.500 tỷ đồng, chiếm 18,4%; thành lập mới 6.200 doanh nghiệp, chiếm 44% của cả tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2020 cũng tăng cao, ước đạt 73,4 triệu đồng, gấp 1,69 lần trung bình cả tỉnh.
Thành phố Thanh Hoá là một trong những đô thị loại I trực thuộc tỉnh có dân số, diện tích lớn nhất cả nước, tốc độ đô thị hoá cao, gia tăng dân số cơ học tăng nhanh. Điều này đã dẫn đến nhiều vấn đề như áp lực quá tải hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, an ninh trật tự, ùn tắc giao thông, y tế, giáo dục, phát triển nhà ở, năng lượng, xử lý ô nhiễm môi trường…
Để phát triển xứng đáng với tiềm năng, TP. Thánh Hoá cần phải giải quyết các khó khăn và các vấn đề đặt ra nhằm giúp TP tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên; sẽ làm cho chất lượng sống của người dân được nâng cao, các dịch vụ được tối ưu hóa, môi trường sống trong sạch; tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian trong sử dụng các dịch vụ xã hội; an ninh, trật tự được đảm bảo và tăng cường, TP thông minh sẽ đưa TP phát triển bền vững.
Nội dung tham luận "Xây dựng TP Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh"
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025), ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá đã trình bày tham luận "Xây dựng TP Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh". Tham luận gồm một số nội dung như sau:
Một, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch chung TP Thanh Hóa đến năm 2040 phù hợp với phát triển đô thị thông minh; cập nhật định hướng Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa. Đảm bảo các đồ án Quy hoạch phân khu 1/2000 và QHCT 1/500 các khu đô thị mới đáp ứng các điều kiện để phát triển đô thị thông minh.
Hai, xây dựng và ban hành "Đề án xây dựng TP Thanh Hóa trở thành TP thông minh" với mục tiêu xây dựng được một kiến trúc tổng thể của đô thị thông minh; xây dựng một số khu đô thị thông minh như: Khu đô thị Hồ Thành, khu đô thị Hoằng Quang và Long Anh, khu đô thị trung tâm mới thành phố, khu đô thị sinh thái Hàm Rồng – Núi Đọ, khu đô thị Đông Nam TP…
Ba, ban hành thể chế, hệ thống các văn bản quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị thông minh phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, ban hành cơ chế chính sách và các hướng dẫn về xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững.
Bốn, hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của TP. Rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển chính quyền điện tử.
(Tổng hợp bởi odt.vn)