Kể từ sau khi chính quyền tỉnh Kiên Giang quyết định “cởi trói” cho phép phân lô tách thửa trở lại tại Phú Quốc, tình hình quản lý sử dụng đất tại đây lại có dấu hiệu diễn biến phức tạp, khiến cho UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị siết lại các hoạt động này.

Siết chặt hoạt động tách thửa, chuyển nhượng đất tại Phú Quốc

Diễn biến phức tạp trở lại

Mới đây Sở Xây dựng tỉnh này cho biết, kể từ sau khi lệnh cấm phân, tách thửa đất nền được dỡ bỏ thì tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sai quy định tại đây lại diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý. Cụ thể, Sở cho biết nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng kẽ hở trong quy định để phân lô trái phép đất nông nghiệp, tự ý xây dựng hạ tầng trái phép sau đó chia nhỏ ra thành các lô để chuyển nhượng. Việc này đang có dấu hiệu ngày một phức tạp, khó quản lý.

Do đó mới đây UBND tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định tạm ngừng việc đăng ký tách thửa, chuyển mục đích sử dụng với các loại đất trên địa bàn huyện Phú Quốc. UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND huyện Phú Quốc cùng phối hợp để kiểm tra, rà soát lại các trường hợp vi phạm trái quy định trong thời gian qua, đề xuất hướng xử lý. Ngoài ra phải tăng cường quản lý quy hoạch đất đai, đất rừng và tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Cho tới khi việc này hoàn thành, việc tạm dừng phân lô, tách thửa đối với tất cả các loại đất là rất cần thiết cho công tác quản lý sử dụng đất. Nếu trong quá trình thực hiện, có các vấn đề khó khăn, vướng mắc thì làm báo cáo lên UBND tỉnh để xin ý kiến giải quyết.

Được biết trong giai đoạn 2016-2018, trên địa bàn huyện Phú Quốc xảy ra tình trạng giới đầu cơ đổ về mua bán đất nông nghiệp, thậm chí đất rừng để chuyển đổi, phân lô trái phép nhằm mục đích kinh doanh. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã phải ban hành quy định tạm dừng phân lô, tách thửa kéo dài tới 22 tháng.  Cho tới tháng 3/2020, khi tình trạng phân lô, tách thửa và mua bán trái phép đã cơ bản được kiểm soát, tỉnh Kiên Giang mới dỡ bỏ quy định này. Tuy nhiên từ khi được “cởi trói” đến nay thực trạng này lại một lần nữa tái diễn khiến cho chính quyền phải ra tay can thiệp.

(Tổng hợp bởi odt.vn)