Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP.Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đến năm 2025, Hải Phòng sẽ đạt tiêu chí đô thị loại I.

phe-duyet-nhiem-vu-lap-quy-hoach-tp-hai-phong-thoi-ky-2021-2030

Năm 2025, TP.Hải Phòng cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I

Phạm vi quy hoạch là toàn bộ phần lãnh thổ đất liền TP.Hải Phòng với diện tích 1.561,76km2.

Ranh giới hành chính của thành phố Hải Phòng gồm 15 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 7 quận (Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh), 8 huyện (An Dương, An Lão, Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo).

Về phạm vi ranh giới, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.

Theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP.Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, TP.Hải Phòng đến năm 2025 sẽ đạt tiêu chí đô thị loại I, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời là một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ biển của cả nước.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng sẽ trở thành trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc. Trong đó, Cát Bà, Đồ Sơn sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế, hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc sông Cấm, xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Mục tiêu tới năm 2030, Hải Phòng sẽ cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận. Hải Phòng sẽ trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm quốc tế và đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, kinh tế biển, đại dương học; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường sắt tốc độ cao.

Quản điểm lập quy hoạch là cụ thể hoá nội dụng định hướng Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của cả nước, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; phát huy được vai trò, vị thế và tiềm năng của TP.Hải Phòng

Đến năm 2050, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và trên thế giới.

Nội dung của quy hoạch cần đảm bảo phát huy được vai trò, vị thế và tiềm năng của thành phố; đảm bảo phát triển hài hoà giữa các ngành, các địa phương, vùng lãnh thổ trên thành phố; phù hợp với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực triển khai thực hiện; đánh giá đầy đủ vị trí địa kinh tế - chính trị của thành phố; các tác động về các điều kiện và bối cảnh từ bên ngoài đến phát triển của thành phố; các cơ hội liên kết giữa thành phố Hải Phòng với vùng Đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực; đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và khả thi trong triển khai dự án.

Thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng, kẻ từ ngày Nhiệm vụ lập Quy hoạch được phê duyệt.

(Tổng hợp bởi odt.vn)