Tốc độ đô thị hoá tăng cao khiến giá bất động sản tăng phi mã, khiến khoảng cách giá nhà ở và thu nhập của người dân ngày càng xa. Do đó, người dân thu nhập thấp chỉ có thể trông chờ vào nhà ở xã hội.
Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng vào việc phát triển nhà ở, chăm lo cho người dân ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, thu nhập trung bình ở các khu vực đô thị vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh giá nhà ở liên tục tăng cao, quỹ đất khan hiếm, và nguồn cung không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của người dân.
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”, cả nước đặt mục tiêu trong năm 2024 phấn đấu hoàn thành 130.000 căn.
Tuy nhiên, trong hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 của ngành tại Hà Nội do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 14/12, ông Ngô Lâm, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, mục tiêu xây dựng 130.000 căn trong năm 2024 là không thể hoàn thành.
Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở bình dân, nhà ở giá rẻ không ngừng tăng, làm giá bất động sản tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, tăng mạnh hơn, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân. Điều này khiến người dân khó có thể sở hữu nhà ở thương mại mà chỉ có thể trông chờ vào các dự án nhà ở xã hội.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã triển khai 622 dự án nhà ở xã hội với quy mô 580.109 căn. Trong đó, hoàn thành 96 dự án với quy mô 57.652 căn; khởi công xây dựng 133 dự án với quy mô 110.217 căn; và chấp thuận chủ trương đầu tư 415 dự án với quy mô 412.240 căn.
Cũng tại hội nghị, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu trong năm 2025 là hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội với diện tích nhà ở bình quân đạt 27 m2 sàn/người.