Phó Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

lap-quy-hoach-tinh-phu-yen-tam-nhin-den-nam-2050

Theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, phạm vi lập quy hoạch tỉnh Phú Yên là phần lãnh thổ đất liền rộng 5.023,4 km2; phần không gian biển được xác định trên cơ sở Luật Biển Việt Nam ngày 21/6/2012; Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ; Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung việc lập quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Phú Yên; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội;...

Yêu cầu nội dung quy hoạch tỉnh Phú Yên tầm nhìn đến năm 2050

  • Định hướng, phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.
  • Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ tỉnh Phú Yên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bố, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hoá, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
  • Phân bổ phát triển không gian phải thống nhất giữa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phân bố đất đai và bảo vệ môi trường.
  • Có sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh; sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường trong quá trình lập quy hoạch.
  • Bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế, xã hội và môi trường đối với sinh kế của cộng đồng, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em; quá trình lập quy hoạch phải được kết hợp với các chính sách khác thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, chậm phát triển và đảm bảo sinh kế bền vững của người dân trong khu vực khó khăn, chậm phát triển; sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của cộng đồng; giữa lợi ích của các vùng, các địa phương.

(Nguồn tổng hợp)