Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

kien-giang-phe-duyet-nhiem-vu-quy-hoach-chung-thanh-pho-va-khu-kinh-te-cua-khau-ha-tien

Theo phê duyệt, phạm vi và ranh giới lập quy hoạch chung đô thị gồm 7 đơn vị hành chính TP Hà Tiên với diện tích tự nhiên khoảng 100,49 km2 và phần diện tích mặt biển nằm giữa xã đảo Tiên Hải và các xã thuộc phần đất liền của TP Hà Tiên.

Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, giai đoạn ngắn đến năm 2030, giai đoạn dài đến năm 2040.

Quy mô dân số đến năm 2030 dự báo khoảng 170.000 người - 195.000 người, đến năm 2040 khoảng 200.000 - 225.000 người.

Quy mô đất đai, đất xây dựng đô thị dự báo đến năm 2030 khoảng 3.000 - 3.900 ha, chỉ tiêu khoảng 170 - 200 m2/người. Đến năm 2040 khoảng 4.000 - 5.000 ha, chỉ tiêu khoảng 200 - 225 m2/người.

Mục tiêu và nội dung nghiên cứu quy hoạch

Mục tiêu nhiệm vụ quy hoạch là xây dựng thành phố Hà Tiên và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa - di sản vùng đồng bằng sông Cửu Long. TP Hà Tiên được phát triển bền vững, đồng bộ về hạ tầng.

Đồng thời nâng cao hiệu năng liên kết vùng, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới, tạo tiền đề đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2030, phù hợp với định hướng quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, quản lí phát triển đô thị theo hướng hiện đại, phát triển xanh và thông minh, tiết kiệm năng lượng; thu hút đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; thích ứng với biến đổi khí hậu...

Ngoài ra, phát triển thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên trở thành đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái.

Nội dung nghiên cứu quy hoạch gồm đánh giá và phân tích các đặc điểm tự nhiên, hiện trạng về địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất, đặc điểm cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên trong khu vực quy hoạch; đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; đánh giá hiện trạng sử dụng đất; đánh giá về không gian kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị hiện hữu và các khu vực nghiên cứu quy hoạch.

(Nguồn tổng hợp)