Đã 6 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, những gì mà  thị trường lưu trú phải hứng chịu là không có khách thuê, đóng cửa dài hạn, kinh doanh thua lỗ… Mới đây, do không chịu nổi áp lực, nhiều nhà nghỉ, khách sạn tại khu trung tâm TP.HCM đã phải rao bán.

Không chịu nổi áp lực, nhiều khách sạn tại TP.HCM phải rao bán

(Ảnh minh họa)

Chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch

Báo cáo mới đây của Công ty JLL Việt Nam đã giúp chúng ta phần nào hình dung được thực trạng đáng báo động về thị trường bất động sản lưu trú tại TP.HCM. Theo đó, trong quý 2, tỷ lệ lấp đầy phân khúc khách sạn chỉ đạt 12%. Áp lực từ công suất phòng thấp tác động trực tiếp khiến giá thuê phòng bình quân giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống ngưỡng 60 USD/phòng/đêm. Trong đó, phân khúc cao cấp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc nhiều vào lượng khách quốc tế.

Không chỉ là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội, TP.HCM còn được định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch hàng đầu tại Việt Nam. Nhiều năm trở lại đây, thành phố luôn là địa phương thu hút được lượng khách quốc tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 50%). Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh tràn đến, lượng khách du lịch suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là khách quốc tế khiến “ngành công nghiệp không khói” của thành phố chịu thiệt hại nặng nề.

Cụ thể, theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2020 lượng khách quốc tế đến thành phố chỉ có 1,3 triệu lượt, giảm 69% theo năm. Doanh thu dịch vụ lưu trú và du lịch lữ hành cũng không khả quan hơn khi giảm lần lượt 48% và 71% theo năm. Sau lệnh giãn cách xã hội, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 48% và doanh thu du lịch lữ hành giảm 96%.

Tuy chưa có những con số thống kế chi tiết rằng đã có bao nhiêu khách sạn đang được rao bán và giao dịch thành công tại thành phố, nhưng thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều những tin rao bán, chuyển nhượng khách sạn trên các kênh môi giới và mạng xã hội.

Dẫn chứng thực tế

Dọc theo đường Lý Tự Trọng, quận 1 - một trong những tuyến đường tập trung nhiều khách sạn cao cấp nhất khu vực trung tâm, đã xuất hiện một số khách sạn rao bán với giá dao động từ 200 – 1.000 tỷ đồng. Không chỉ khách sạn có quy mô lớn, những tuyến đường tập trung nhiều khách sạn tầm trung như Bùi Thị Xuân, Phạm Ngũ Lão… cũng trong tình trạng tìm chủ mới với giá trong khoảng từ 150 - 400 tỷ đồng.

Đơn cử, khách sạn 3 sao Alagon Saigon Hotel & Spa, nằm gần vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, với chiều cao 8 tầng, quy mô 110 phòng đang được bán với số tiền khoảng 230 tỷ đồng. Theo thông tin mà chủ đầu tư cung cấp, khách sạn hiện đang được thuê với số tiền là 800 triệu đồng/tháng.

Nằm ngay gần đó là đường Võ Văn Tần, một khách sạn 4 sao được rao bán với giá 380 tỷ đồng cho 85 phòng nghỉ. So với thời điểm cuối năm 2019, mức giá này đã được giảm hơn 5%.

Những dẫn chứng cụ thể trên cho thấy bức tranh đầy gam màu xám của thị trường kinh doanh khách sạn tại TP.HCM. Đứng trước áp lực cả về khách hàng, doanh thu, lợi nhuận, việc rao bán khách sạn của nhiều người đầu tư là điều dễ hiểu.

(Tổng hợp bởi odt.vn)