Thay vì quanh quẩn ở những thị trường “gần bờ”, những năm qua, giới đầu tư bất động sản đang dần mở rộng địa bàn hoạt động của mình đến những khu vực tiềm năng dù khoảng cách có xa hơn. Tuy nhiên, việc “đánh bắt xa bờ” này đang gặp không ít khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp.

Khi nhà đầu tư không còn mặn mà với “đánh bắt xa bờ”

Lao đao xoay sở

Có lẽ, điển hình trong xu hướng đánh bắt xa bờ chính là sự đổ bộ của giới đầu tư phía Bắc vào mua đất, đầu tư tại khu vực miền Nam. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi thị trường miền trong liên tục được hâm nóng bởi các thông tin quy hoạch, dự án hạ tầng từ TP. Hồ Chí Minh và từ khắp các thị trường vệ tinh như Long An, Bình Dương hay Đồng Nai. Bên cạnh đó, thiên nhiên cũng ban tặng cho nơi đây khí hậu ấm áp tạo điều kiện cho loại hình nghỉ dưỡng có thể khai thác quanh năm.

Song, sự đổ bộ này đang đứng trước thách thức vô cùng lớn khi các biện pháp phòng chống dịch như hạn chế tụ tập, di chuyển bằng máy bay… được thiết lập. Theo nhiều môi giới, họ đã bị lỡ rất nhiều hợp đồng vì không thể gặp gỡ với khách hàng. Một trong số đó là chị Trương Thúy Hằng – nhà đầu tư đến từ Yên Phong, Bắc Ninh.

Chia sẻ với ODT, chị Hằng cho biết, cách đây vài tháng, có khách hàng hỏi mua lô đất nền ở Bình Dương của chị. Dù đã thống nhất được mức giá nhưng Bình Dương khi ấy là tâm dịch nên chị không có cách nào bay vào để ký kết chuyển nhượng. Cuối cùng, vị khách đó đã tìm được mảnh đất khác. Đến nay, chị vẫn chưa có cách nào bán được dù đang rất cần tiền.

Hay như anh Đặng Ngọc Sơn (Ba Đình, Hà Nội), trong số bất động sản ở Hồ Chí Minh, anh có một thửa đất trống ở huyện Nhà Bè. Lo ngại dịch bệnh nên anh rất hạn chế việc bay vào, chỉ đăng tin trên các trang môi giới. Khoảng cuối tháng 2, anh ngỡ ngàng khi thấy nhà hàng xóm đã xây dựng nhà lấn sang phần đất của mình. Cho đến tận bây giờ, anh Sơn vẫn chưa thể xử lý dứt điểm vấn đề này do còn vướng công việc ở Hà Nội.

Các nhà đầu tư “quay đầu”

Có lẽ, những ảnh hưởng mà dịch COVID-19 gây ra sẽ khiến các nhà đầu tư phải nhìn nhận lại vấn đề. Khoảng cách quá xa về mặt địa lý cùng việc bị hạn chế di chuyển đã nảy sinh ra nhiều bất cập, phát sinh không thể lường trước được. Trong khi đó, những thị trường gần bờ vẫn có nhiều tiềm năng khai thác mà lại an toàn hơn. Chẳng hạn như tại các đô thị vệ tinh của Hà Nội như Hòa Lạc, Phú Xuyên, Sơn Tây, Xuân Mai… hay các địa phương tiếp giáp như Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ…

Anh Nguyễn Thế Hải, một chuyên gia môi giới đã có hơn 10 năm kinh nghiệm cho hay, rất nhiều nhà đầu tư mà anh quen biết đã “quay đầu” về thị trường gần bờ dù đã có khoảng thời gian rất thành công ở trong Nam. Chính dịch bệnh và sự phát triển ở ngoài Bắc khiến họ rút toàn bộ hoặc một phần lớn vốn về đây để tránh những rủi ro không đáng có.

Anh Sơn và chị Hằng cũng đang có ý định rút lui và tập trung vào thị trường miền Bắc. Cả hai đều có chung quan điểm, cơ hội đầu tư tồn tại ở khắp mọi nơi. Dù là những thị trường nhỏ lẻ nhưng vẫn có ít nhiều tiềm năng, quan trọng là mình phải nhìn ra và nắm bắt được thời cơ.

“Bất kỳ một khu vực nào, chỉ cần có quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn phát triển dài hạn… thì đều là những cơ hội đầu tư tốt, hứa hẹn khả năng sinh lời ổn định, bền vững”, anh Sơn nhận định