Dưới sự tác động của đô thị hoá, khu vực ven đô tại Hà Nội cần có các giải pháp quy hoạch kết nối đô thị - nông thôn phát triển bền vững đồng bộ để giải quyết những thách thức hiện nay như thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ách tắc, ngập lụt, nhiều dự án treo...
Quá trình đô thị hoá vùng ven đô đặt ra nhiều thách thức
Vùng ven đô Hà Nội đang mở rộng không gian đô thị, xây dựng nhiều dự án khu đô thị và khu công nghiệp; tuy nhiên tốc độ đô thị hoá nhanh đã đặt ra nhiều thách thức.
Cụ thể, dân cư tăng nhanh chóng nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt về giáo dục, giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường…
Sự phát triển các khu đô thị tuỳ tiện cũng là một trong những vấn đề của đô thị hoá nhanh tại vùng ven đô. Bên cạnh đó, nhiều dân cư xây dựng nặng về lợi ích kinh tế trong sử dụng đất đai gây mất cân bằng môi trường sinh thái, dẫn đến những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội…
Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng tại 18 huyện, thị xã của Hà Nội còn dàn trải, chưa có các phân tích, đánh giá tổng hợp và nhận diện đầy đủ những vấn đề mang tính đặc thù. Quy hoạch tại khu vực 5 huyện như Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức chưa được triển khai đồng bộ với các dự án phát triển đô thị tiếp giáp xung quanh, dẫn đến nhiều vấn đề trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý theo quy hoạch trong tương lai gần, khi chuyển tiếp phân cấp quản lý từ huyện thành quận.
Quy hoạch ven đô Hà Nội cần bảo đảm kết nối đồng bộ
Theo KTS Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, quy hoạch phát triển, quy hoạch phát triển vùng ven đô Hà Nội cần phải có một mô hình quản lý và quy hoạch phát triển bền vững bao quát, phù hợp với các yếu tố văn hóa, lịch sử vùng, điều kiện kinh tế - xã hội, củng cố mối quan hệ với đô thị trung tâm cũng như hệ thống đô thị trong vùng Thủ đô.
Đồng thời, quy hoạch cần phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các khu vực, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo thêm thu nhập cho người nông dân, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống hạ tầng liên kết, tăng cường hiệu quả chức năng đô thị; phát triển giao thông công cộng, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nguồn nước.
Ngoài ra, quy hoạch cần kết hợp giữa xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị tại khu vực ven đô; sử dụng tài nguyên, nguồn lực hợp lý, ổn định đời sống người dân, hài hòa trong phát triển không gian quy hoạch, kiến trúc chung của TP, tránh sự phức hợp, lãng phí trong đầu tư mở mang cơ sở hạ tầng trong các điểm dân cư nông thôn.
(Tổng hợp bởi odt.vn)