Kinh phí giải phóng mặt bằng dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã vượt 16,4 tỷ đồng nhưng tỉnh Ninh Thuận vẫn còn 4 trường hợp chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và 39 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường.
Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ
Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua địa phận của 3 tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Theo thông tin từ các địa phương báo cáo, đoạn qua huyện Tuy Phong (Bình Thuận) dài 12 km và đoạn qua huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) dài hơn 5 km đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng.
Riêng đoạn dự án ở tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Văn Vinh - Phó giám đốc Sở GTVT Ninh Thuận cho biết, công tác này mới cơ bản hoàn thành. Theo đó, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua địa phận 12 xã thuộc 5 huyện (Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam), với tổng diện tích đất cần thu hồi là hơn 4.452 ha, số hộ dân bị ảnh hưởng là 1.229 hộ.
Trong đó, chính quyền tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 1.224 hộ, tương đương tỷ lệ 99,6%; tổ chức chi trả tiền với tổng số hộ đã nhận tiền bồi thường là 1.186, tương đương tỷ lệ 96,5%. Như vậy, số hộ dân còn phải chi trả tiền là 39. Giải thích cho sự chậm trễ này, ông Vinh cho rằng, chủ yếu các hộ dân chưa nhận tiền đền bù là do khiếu nại về giá đất. Sở đã đề nghị các huyện tiếp tục vận động người dân nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có 54 hộ (27 hộ tại thôn Nhị Hà 1, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam và 28 hộ tại thôn Nha Hố 1, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) có nhu cầu tái định cư. Hiện các địa phương đã triển khai xây dựng khu tái định cư và hoàn thành một số hạng mục như: San lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, đường nội bộ và mương thoát nước.
Đối với công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông), dự kiến đến cuối tháng 11/2020 sẽ hoàn thành. Một số vị trí đang chờ hào kỹ thuật để thi công song song với đường cao tốc; một số công trình viễn thông vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu.
Trong thời gian sắp tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo dự án có thể khởi công vào năm 2021.
Được biết, trong năm 2020, Bộ GTVT đã phân bổ cho 5 huyện của tỉnh Ninh Thuận thuộc phạm vi đường cao tốc đi qua với tổng số tiền 123,5 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chi trả cho việc giải phóng mặt bằng tính đến ngày 09/11 là 139,9 tỷ đồng – tức là đã vượt kinh phí 16,4 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài 78,5km; tổng vốn đầu tư là 9.458 tỉ đồng. Trong đó, 5.991 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước; 3.466 tỉ đồng là nguồn vốn BOT. Theo thiết kế, dự án có điểm đầu tiếp nối với dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Điểm cuối tiếp nối dự án đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận). Thời gian xây dựng dự kiến là 30 tháng, thời gian thu phí dự kiến là 16 năm 4 tháng 16 ngày.