Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) vừa phát đi cảnh báo về khả năng giá đất tại nhiều địa phương sẽ có biến động mạnh trong thời gian tới, đặc biệt khi bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 bắt đầu tiệm cận giá thị trường. Cơ quan này đề xuất hàng loạt giải pháp nhằm kiểm soát rủi ro, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, trục lợi, đồng thời yêu cầu các địa phương cập nhật dữ liệu giá theo từng thửa đất để đảm bảo minh bạch và công bằng trong quản lý.

Bộ NN&MT cảnh báo biến động lớn về giá đất sắp tới tại nhiều địa phương

Theo báo cáo gửi Bộ Tài chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định việc bỏ khung giá đất và triển khai bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 đang mở ra cơ hội để giá đất tiệm cận hơn với giá thị trường, từ đó góp phần tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương cho thấy bảng giá đất hiện hành chưa kịp phản ánh sát với diễn biến thực tế, dẫn đến tình trạng giá khởi điểm trong các phiên đấu giá còn thấp, trong khi giá trúng lại cao, tạo ra khoảng chênh lệch lớn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Trước tình hình đó, Bộ NN&MT yêu cầu các địa phương tăng cường công tác giám sát, cập nhật thường xuyên bảng giá đất và đặc biệt xây dựng cơ sở dữ liệu giá theo từng thửa đất để đảm bảo công khai, minh bạch. Bộ cũng cảnh báo, trong thời gian tới, khi các địa phương đồng loạt ban hành bảng giá đất mới, thị trường sẽ chứng kiến những biến động đáng kể. Do mỗi tỉnh, thành có mức điều chỉnh khác nhau, tác động đến thị trường bất động sản được dự báo sẽ không đồng đều và cần được theo dõi sát.

Thực tế cho thấy, từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều địa phương ghi nhận mức tăng mạnh trong bảng giá đất mới. Tại Hà Nội, bảng giá đất áp dụng từ ngày 20/12/2024 đến hết năm 2025 cho thấy mức tăng đáng kể so với khung giá cũ. Cụ thể, giá đất mặt đường tại khu vực quận Hoàn Kiếm được ghi nhận lên tới gần 695 triệu đồng/m², cao gấp 3,7 lần so với trước. Các tuyến phố khác trong nội đô cũng điều chỉnh tăng bình quân từ 150% đến 270%.

Tại Đà Nẵng, với bảng giá đất mới vừa được UBND TP Đà Nẵng ban hành sẽ có hiệu lực từ 7/7, giá đất ở điều chỉnh tăng trên diện rộng. Khu vực Ngũ Hành Sơn ghi nhận mức tăng 172%, quận Cẩm Lệ tăng 154% và các quận còn lại dao động trong khoảng 125–140%. 

TP.HCM cũng không nằm ngoài xu thế. Theo bảng giá đất năm 2025, mức giá được điều chỉnh tăng từ 4 đến 38 lần so với trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn giá thị trường khoảng 25–50%. Giá đất nông nghiệp hiện chỉ dao động trong khoảng 0,4–0,8 triệu đồng/m², trong khi đất ở được định giá từ 2,3 triệu đến 687 triệu đồng/m² tùy khu vực. Sự chênh lệch lớn này khiến tiền sử dụng đất và chi phí đầu tư tại TP.HCM gia tăng mạnh, tạo áp lực tài chính đáng kể cho cả người dân và doanh nghiệp.

Trước những dự báo về biến động giá đất trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã kiến nghị một loạt giải pháp nhằm tăng cường quản lý và ổn định thị trường. Cụ thể, Bộ đề xuất các địa phương cần theo dõi, cập nhật giá đất theo từng thửa và sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu giá đất trên toàn hệ thống, phục vụ công tác quản lý và điều hành minh bạch, hiệu quả.

Bộ cũng đề nghị cho phép các tỉnh, thành phố được điều chỉnh bảng giá đất đến hết ngày 31/12/2025 theo quy định tại Nghị định 71/2024/NĐ-CP nhằm đảm bảo bảng giá phản ánh sát thực tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển tiếp sang Luật Đất đai 2024.

Song song đó, Bộ kiến nghị cần rà soát, đồng bộ các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… nhằm đảm bảo tính nhất quán và hài hòa trong chính sách pháp luật. Cuối cùng, Bộ NN&MT nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị đầy đủ bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026 theo Luật Đất đai 2024. Việc xây dựng bảng giá này cần đi kèm cơ chế tham vấn rộng rãi, đánh giá tác động toàn diện nhằm hạn chế các phản ứng tiêu cực trong xã hội.