Không phải chỉ cần mua mảnh đất giá tốt là có thể an tâm xây nhà. Những trường hợp đất vướng quy hoạch, lộ giới dưới đây, người mua không thể xây nhà hoặc thiết kế nhà như mong muốn.
Mua đất vướng quy hoạch không phải là đất ở
Vì khả năng tài chính có hạn, nên anh Trung (Quốc Oai, Hà Nội) quyết định mua đất nông nghiệp giá rẻ rồi sau đó định chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để có thể xây nhà. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, người sở hữu đất chỉ có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở khi không phụ thuộc vào quy hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương.
Mặc dù anh Trung đã cẩn thận hỏi chủ đất cho xem Giấy chứng nhận quyền sử dụng cùng Chứng chỉ quy hoạch của UBND Quận là đất được quy hoạch xây dựng theo kiểu nhà ở biệt thự đơn lập; tuy nhiên lại không ngờ rằng Chứng chỉ quy hoạch bên bán cung cấp được xin từ 2016, cách thời điểm giao dịch mua bán 4 năm. Do đó, khi tra cứu bản đồ quy hoạch mới nhất tại địa phương, khu đất mà anh Trung mua đã được chuyển đổi thành đất quy hoạch giao thông để xây dựng đường xá.
Bên cạnh đó, theo Luật Đất đai 2013, người sở hữu đất quy hoạch giao thông sẽ không được xây nhà ở, công trình nếu đã có kế hoạch sử dụng đất của cơ quan cấp huyện. Khi có quyết định thu hồi đất, anh Trung chỉ được bồi thường là nhận đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể đối với loại đất bị thu hồi.
Mua đúng đất ở nhưng vướng quy hoạch
Mặc dù người mua có thể mua đúng đất ở nhưng vướng quy hoạch thì cũng không thể xây dựng nhà ở, công trình theo ý mình. Đó là trường hợp của anh Hoàng (Quận 7, TP.HCM). Anh Hoàng đã tìm mua được một mảnh đất thổ cư gần trung tâm thành phố để xây nhà cấp 4. Việc mua bán diễn ra khá thuận lợi và anh Hoàng đã nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi anh Hoàng xin giấy phép xây dựng thì rắc rối mới xảy ra. Lý do là khu đất mà anh Hoàng mua đã được quy hoạch từ nhiều năm trước. Theo đó, anh Hoàng không thể xây nhà theo ý mình, mà phải tuân thủ những quy chuẩn đã đề ra.
Do đó, anh Hoàng quyết định bán đất ở hiện tại. Mặc dù đất được nhiều người mua để ý, nhưng khi biết lý do anh Hoàng phải bán gấp, họ đều tìm cách ép giá, dẫn đến việc anh Hoàng phải bán lỗ mảnh đất không thể xây nhà.
Mua nhầm đất quy hoạch đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới
Không ít những trường hợp tại TP.HCM người dân mua trúng mảnh đất quy hoạch đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới đã không thể xây dựng nhà ở, không thể tách thửa.
Như trường hợp của anh C. xây một căn nhà cấp 4 trên mảnh đất của mình. Nhưng đến năm 2020, khi anh C. muốn xây lên 2 tầng nữa thì chỉ được cấp phép xây dựng có thời hạn vì đất của anh C. nằm trong quy hoạch đất dân cư xây dựng mới.
Hiện TP.HCM có gần 50% đất quận 3 là đất quy hoạch đất hỗn hợp. Việc quận chỉ cho phép xây dựng có thời hạn cho những người dân ở đất quy hoạch đất hỗn hợp đã gây ra những khó khăn và bức xúc cho người dân sống tại quận 3.
Mua đất dính chỉ giới, lộ giới hẻm
Trường hợp cuối cùng cũng là nguyên nhân khiến người dân bị “treo” quyền xây dựng là mua đất dính lộ giới hẻm. Được biết, lộ giới hay chỉ giới đường đỏ là thuật ngữ được dùng để chỉ ranh giới quy hoạch mở đường hoặc mở hẻm.
Theo quy định của Luật Đất đai, phần diện tích nhà đất nằm trong khu vực quy hoạch lộ giới sẽ không được phép xây dựng. Vì không phải người dân nào cũng nắm được thông tin này hoặc không tìm hiểu kỹ nên không ít người mua trúng đất dính chỉ giới, lộ giới hẻm chỉ có thể chấp nhận sống trong những căn nhà xuống cấp mà không thể xây mới, bán cũng không ai mua.
Do đó, để tránh rơi vào những trường hợp không được xây nhà như trên, người mua khi làm giao dịch mua bán nhà đất cần phải tìm hiểu kỹ pháp lý của mảnh đất mình định mua như giấy tờ nhà, thông tin quy hoạch. Người mua có thể hỏi trực tiếp Phòng Quản lý đô thị quận, huyện để nắm chắc về thực trạng mảnh đất mình định mua trước khi ra quyết định.
(Tổng hợp bởi odt.vn)