Thị trường trái phiếu bất động sản đang ngày càng nóng cả về cung và cầu, tuy nhiên nó cũng tồn tại nhiều rủi ro cao.

Theo một báo cáo của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố trong tháng 11/2019 có 24.199 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành, đưa tổng lượng phát hành 11 tháng đầu năm là 206.680 tỷ đồng bao gồm cả phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.

Trái phiếu bất động sản: thị trường tiềm năng nhưng rủi ro tiềm ẩn

Trái phiếu bất động sản có lãi suất cao nhưng nhiều rủi ro.

Lãi suất bình quân 10,24%

Theo các chuyên gia, con số trên còn chưa tính các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm 2019. Vì vậy, nếu ước tính lượng phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp 3 tháng đầu năm 2019 là khoảng 30.000 tỷ thì con số thực tế trong 11 tháng đầu năm là khoảng 237.000 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo này, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 6.952 tỷ đồng trong tháng 11 và tổng cộng 71.312 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2019, chiếm 34,5% tổng lượng hành toàn thị trường.

Trái phiếu bất động sản có lãi suất bình quân (10,24%) cao, hơn hẳn các nhóm ngân hàng, định chế tài chính, phát triển hạ tầng. Lãi suất bình quân toàn thị trường là 8,7%/ năm.

Trong đó, trái phiếu của các nhà băng phát hành chỉ dao động trong khoảng 7-8% thì các doanh nghiệp bất động sản chào lãi suất 11-13%, thậm chí lên tới 20% tùy từng đợt.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sôi động là do việc tiếp cận vốn ngân hàng trở lên khó khăn bởi tín dụng bị kiểm soát. Ngoài ra, một phần còn do tác động từ Nghị định 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp thay thế Nghị định 90/2011 và có hiệu lực từ ngày 1/2/2019 với nhiều điều kiện nới lỏng hơn.

Nguy cơ rủi ro cao

Thị trường trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có lãi suất cao nhưng đi kèm với nó là những nguy cơ rủi ro lớn, nhất là khi thị trường bất động sản chưa hồi phục vững chắc.

Đó là bởi doanh nghiệp bất động sản vay không có tài sản bảo đảm, khách hàng không quản lý được dòng tiền thu được từ dự án bất động sản.

Đối với các tổ chức ngân hàng đầu tư vào trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản vay có tài sản bảo đảm. Ngân hàng thương mại dù kiểm soát được dòng tiền nhưng lại luôn định giá vốn, kiểm soát dòng tiền đầu tư trái phiếu hời hợt để doanh nghiệp mang tiền đi làm việc khác, không đưa vào dự án, vẽ dự án ma để bán trái phiếu.

Ngoài ra, những quy định của Nhà nước liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hiện nay còn chưa được chặt chẽ, không có các điều khoản quy định rõ ràng. Điều đó dẫn đến việc một khi dự án đó mà gặp rủi ro về pháp lý thì thị trường và những người mua trái phiếu sẽ có nguy cơ mất trắng.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư muốn mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cần phải thận trọng, lưu ý các yếu tố như độ minh bạch của báo cáo tài chính, tính pháp lý của dự án, độ hợp lý trong vấn đề định giá...

(Nguồn tổng hợp)