TP.HCM được giao làm cơ quan quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các trình tự, thủ tục phê duyệt dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

tphcm-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-du-an-duong-cao-toc-tphcm-moc-bai

Giao TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM – Mộc Bài

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc giao UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo Hội đồng Nhân dân thống nhất cử đại diện TP.HCM là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài dài 53,5km. Chiều dài của tuyến bắt đầu từ đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp – Trảng Bàng (Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 22, kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.

Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có mặt cắt ngang 4 làn xe tiêu chuẩn đoạn tuyến từ đường vành đai 3 (TP HCM) đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) và 4 làn xe hạn chế đoạn còn lại.

Việc thực hiện dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 2 phần: Từ TP.HCM tới Tràng Bàng với chiều dài 33km, quy mô bốn làn xe, tốc độ thiết kế 120km/giờ. Phần 2 từ Tràng Bàng tới Mộc Bài với chiều dài 20,5km, quy mô bốn làn xe, tốc độ 80 km/giờ. Giai đoạn 2 sẽ làm 6 – 8 làn xe.

Về tiến độ dự án, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư vào năm 2021. Tháng 3/2021, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ năm 2011 đến năm 2025, tập trung triển khai dự án. Năm 2025, khánh thành và đưa dự án vào hoạt động.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 10.688 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công – tư PPP.

Trước đó, tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đã được quy hoạch từ lâu, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư nhưng dự án vì một lý do nên không thể triển khai. Tháng 9/2019, UBND TP và tỉnh Tây Ninh cùng gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho TP có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án, phối hợp cùng Tây Ninh.

Về kinh phí bồi thường, 2 địa phương sẽ tự lo, TP.HCM sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng còn Tây Ninh 1.000 tỷ đồng. Về kinh phí xây lắp với 8.000 tỷ, Chính phủ sẽ cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu.

Mục tiêu của việc thực hiện dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là nhằm giảm sự quá tải của quốc lộ 22, giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 22, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, dọc tuyến trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tạo thành mạng lưới liên hoàn giữa các tuyến giao thông đối ngoại và trở thành cửa ngõ ra vào TP.HCM.

Ngoài ra, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ rút ngắn hành trình từ Sài Gòn đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tăng cường kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông – Tây, các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok – Phnom Penh – TP HCM)… cũng như kết nối hệ thống đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh – Bavet của Campuchia, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

(Tổng hợp bởi odt.vn)