Ngày 04/09 vừa qua, buổi tọa đàm với chủ đề “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa thành phố Thủ Đức – thành phố sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình” đã chính thức diễn ra. Một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận là nguồn vốn để xây dựng thành phố Thủ Đức.

TP.HCM lấy tiền ở đâu để xây dựng thành phố Thủ Đức?

Đảm bảo nguồn vốn dài hạn

Tham gia buổi tọa đàm, GS. Trần Ngọc Thơ, chuyên gia về tài chính tiền tệ đặt ra 3 vấn đề cần quan tâm. Một là, đề án phải chú ý đến việc thay đổi hành vi của con người cũng như các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước sau dịch bệnh Covid-19. Nếu tính toán không cẩn trọng, Thủ Đức có thể trở thành thành phố chết.

Ông Thơ lấy ví dụ tại trung tâm tài chính quốc tế Dubai. Công trình là khu phức hợp quy mô lớn, bao gồm: Khách sạn 5 - 6 sao, nhà hàng cao cấp, chuỗi hệ thống bán lẻ, hệ thống siêu thị khổng lồ… Tuy nhiên, hiện tại trung tâm này đang đối mặt với nguy cơ phá sản vì vắng bóng khách hàng.

Hai là, TP.HCM lấy nguồn tiền ở đâu để xây dựng thành phố. Ba là, nguồn vốn lưu thông cho các trung tâm cần được tự do hóa, tự do chuyển đổi như thế nào? Chịu thuế ra sao? Được quản lý, bảo mật tốt hay không?

Riêng về nguồn vốn từ đâu, ông Thơ cho rằng, nếu lấy tiền từ quỹ đất để xây dựng TP thì nó chỉ mang tính ngắn hạn. Xét về lâu dài, cần có môi trường hấp dẫn đầu tư, có khu kinh tế đặc biệt để dòng tiền nước ngoài đổ vào Thủ Đức một cách thoải mái. Bên cạnh đó, cần có chế độ cấp thị thực xuất nhập cảnh (VISA) để thu hút 8 tỷ dân có thể đến đây sống và làm việc mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

“Tạo thể chế pháp lý và môi trường để thu hút vốn chứ không phải đem đất đi bán. Dự án được đặt trong tổng thể là chiến lược Quốc gia, là ý chí của toàn dân tộc, của cả nước, có như vậy ước mơ mới trở thành hiện thực. Để hiện thực hóa, có thể hướng tới thành lập khu tài chính, khu kinh tế chuyên biệt với quy định thông thoáng hơn”, GS Thơ đề xuất.

Ý kiến của các cơ quan Nhà nước

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Khiết cho rằng, thành phố cần có vốn ngân sách để làm mồi thu hút đầu tư. Ngoài ra, cần thay đổi thể chế, cơ chế, bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, cấp phường để tránh làm kéo dài thời gian thực hiện một dự án.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận định, còn rất nhiều vấn đề xung quanh lộ trình phát triển, nhưng điểm đến cuối cùng là biến Thủ Đức thành nơi đáng sống, chất lượng và môi trường sống ngày một cải thiện, năng suất lao động cao. Đối với nguồn vốn xây dựng, TP.HCM sẽ lấy từ ngân sách, từ các nhà đầu tư và từ vốn quốc tế.

Theo TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố, về nguyên lý quy hoạch đô thị, đô thị sinh ra từ đất, tức là khai thác quỹ đất và phát triển dần cơ sở hạ tầng. Nhưng khu vực này hiện đang tồn tại tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai. Vì vậy khoản phí đầu tư hạ tầng phải được xác định dựa trên từng m2 đất. Mọi chủ sử dụng có đất thuộc khu vực đều phải đóng góp chứ không phải Nhà nước bỏ ra hết.

(Tổng hợp bởi odt.vn)