Báo cáo tài chính của phần lớn công ty, doanh nghiệp bất động sản đều ghi nhận mức lỗ khi tình hình kinh doanh, mở bán căn hộ gặp khó khăn. Đáng chú ý, sau soát xét, một số đơn vị có mức lỗ cao hơn nhiều lần so với báo cáo tự lập trước đó.

Sau soát xét, nhiều công ty bất động sản nhận lỗ khủng

Những con số biết nhảy múa

Đơn cử như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (LGL). Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên cho thấy, doanh thu thuần của LGL chỉ đạt 73,8 tỷ đồng, giảm tới 92% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế là âm 58,2 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với số liệu trong báo cáo tự lập (5,5 tỷ đồng).

Lý giải về sự chênh lệch nói trên, Ban lãnh đạo công ty cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ khoản tập hợp bổ sung các chi phí do Công ty Cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương góp vốn vào dự án Vũ Trọng Phụng để xác định giá thành hàng hoá bất động sản với số tiền là 38,2 tỷ đồng.

Trong số đó, còn có tiền kết chuyển bổ sung giá vốn các căn hộ tại số 69 Vũ Trọng Phụng bàn giao hạch toán doanh thu nửa đầu năm 2020 là 7,7 tỷ đồng và tiền hạch toán chia lợi nhuận bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của dự án Thành Thái là 2,2 tỷ đồng.

Đồng thời, công ty còn kết chuyển bổ sung chi phí lãi vay quý 1/2020 và chi phí khấu hao tài sản cố định với số tiền là 4,4 tỷ đồng; trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn theo báo cáo tài chính công ty liên kết, công ty con số tiền là 1,2 tỷ đồng; huỷ bút toán ghi nhận cổ tức từ Công ty Xuân Thuỷ số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Trường hợp thứ hai là khoản lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức. Khoản lỗ trước đó là gần 7 tỷ đồng, sau soát xét tăng lên thành 21 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận ròng của đơn vị trong năm 2019 là 57 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng tồn kho Nhà Thủ Đức cũng tăng thêm 205 tỷ đồng lên thành 1.282 tỷ đồng sau soát xét. Theo thuyết minh báo cáo tài chính thì tổng tồn kho tại dự án Aster Garden Towers (Tesco Bình Dương) tăng hơn 200 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Tiếp theo là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG). Từ một công ty làm ăn có lãi nhưng DXG bất ngờ chuyển sang thua lỗ sau soát xét. Cụ thể, theo báo cáo tự lập của công ty thì lợi nhuận thu về là 38 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực chất con số này là lỗ ròng 488 tỷ trong báo cáo tài chính niên độ soát xét.

Giải trình về số liệu này, lãnh đạo DXG cho biết, nguyên nhân xuất phát từ quá trình kiểm toán. Công ty kiểm toán xác định khoản chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong công ty DXG là sự kiện phát sinh sau niên độ. Vì vậy, kiểm toán yêu cầu công ty  thực hiện trích lập dự phòng tài chính trên báo cáo tài chính hợp nhất là 526 tỷ đồng, dẫn đến thua lỗ trong kỳ.

Tình trạng các doanh nghiệp “bốc hơi” cả chục tỷ đồng tiền lợi nhuận so với báo cáo tự lập đã không phải là điều quá mới mẻ. Đợt kiểm toán năm 2019, không thiếu các đơn vị khai báo số liệu tài chính theo hướng có lợi cho công ty và bất lợi cho cổ đông. Các chuyên gia cho rằng, nếu tiếp tục kéo dài thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, gây nhiễu loạn, giảm tính minh bạch của thị trường

(Tổng hợp bởi odt.vn)