Theo yêu cầu của Văn phòng UBND TP.HCM, Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức cần thiết kế, phát triển không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, hiện đại, có khả năng tương tác cao.
Quy hoạch Thành phố Thủ Đức thành nơi đáng sống
Theo đó, để sớm hoàn thiện Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức, UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đẩy nhanh tiến độ lập Nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nội dung quy hoạch Thành phố Thủ Đức hay còn gọi là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP (TP Thủ Đức tương lai) gắn với quy hoạch chung xây dựng TP cũng như quy hoạch vùng, tránh trùng lắp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng, dễ làm phân tán nguồn lực.
Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Thành phố Thủ Đức sẽ được quy hoạch thành một nơi đáng sống với không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, hiện đại, có khả năng tương tác cao, đáng sống, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và chú ý tới yếu tố dịch tễ, không để phát sinh lây lan dịch bệnh nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Quy hoạch cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khách biệt của Thành phố Thủ Đức tương lai so với các thành phố trong nước, các trong tâm tài chính, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực Châu Á và một số thành phố phát triển trên thế giới.
Căn cứ vào định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định tiêu chí nhà đầu tư, tìm hiểu các nhu cầu đầu tư thông qua việc xây dựng chương trình, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Đồng thời, cung cấp thông tin để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới.
Được biết, việc xây dựng Thành phố Thủ Đức (Thành phố phía Đông) là dự án được chính quyền TP.HCM ấp ủ từ nhiều năm qua. Trên cơ sở sáp nhập 3 quận phía Đông thành phố là Thủ Đức, quận 2 và quận 9 với tổng diện tích 211 km2, mục tiêu của dự án là xây dựng một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố có thể phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh).
Việc phát triển thành phố phía Đông dựa trên 3 nền tảng là Khu công nghệ cao quận 9, Đại học Quốc gia ở Thủ Đức và trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm quận 2. Đồng thời, thành phố được định hướng thành 6 trọng điểm sáng tạo, gồm Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Trường Thọ, Tam Đa, Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao.
(Tổng hợp bởi odt.vn)